Kiên Giang: Hàng triệu con giống thủy sản được thả về môi trường tự nhiên

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang đã vận động các cơ sở, tổ chức, hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản đóng góp, thả về môi trường tự nhiên hàng triệu con giống thủy sản mỗi năm.

15-31-45_moi-nm-co-hng-trieu-con-giong-thuy-sn-duoc-cc-don-vi-c-nhn-dong-gop-th-xuong-dm-dong-ho-tx-h-tien-nhm-ti-to-nguon-loi-1
Mỗi năm có hàng triệu con giống thủy sản được các đơn vị, cá nhân đóng góp thả xuống đầm Đông Hồ (TX Hà Tiên) nhằm tái tạo nguồn lợi

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết, từ đầu năm năm 2017 đến nay, Hội Thủy sản đã vận động đóng góp được hơn 4 triệu con tôm giống từ 128 cơ sở, tổ chức, hộ cá nhân trên địa bàn tỉnh để thả về tự nhiên, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Năm 2016, qua vận động có 110 tổ chức, đơn vị và cá nhân tham gia, đóng góp được 3,9 triệu con giống tôm, cua giống thả về tự nhiên.

“Đây là hoạt động thường niên nhằm hiện thực hiện Kế hoạch về Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 của UBND tỉnh. Qua đó, nhằm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản”, ông Thanh nói.

Tại Hà Tiên, hàng năm, Phòng Kinh tế thị xã đều tổ chức vận động doanh nghiệp nuôi trồng, kinh doanh thủy sản đóng góp con giống thủy sản thả trên đầm Đông Hồ và ngày càng có nhiều đơn vị hưởng ứng. Năm 2016, nhân dịp phát động thả con giống bảo vệ nguồn lợi thủy sản do UBND thị xã tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân trên địa bàn đóng góp trên 1,6 triệu con giống gồm: Tôm sú, cua, cá các loại, vít, đồi mồi, tôm bố mẹ, ghẹ trứng… trị giá trên 80 triệu đồng.

Sở NN-PTNT Kiên Giang đã tổ chức được mô hình ngân hàng ghẹ trứng ở một số địa phương, mang lại hiệu quả cao. Theo đó, các hộ ngư dân làm nghề lưới ghẹ sẽ được tạm ứng một số tiền làm vốn sản xuất. Khi đánh bắt được ghẹ đang mang trứng sẽ nộp lại cho cán bộ phụ trách (trừ dần vào số tiền tạm ứng) để nuôi dưỡng bằng lồng trong môi trường tự nhiên để đẻ con về biển, góp phần tái tạo nguồn lợi.

Theo Nông nghiệp