Cà Mau tăng cường công tác quản lý sản phẩm OCOP

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã có công văn đề nghị Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường tỉnh; Báo Cà Mau; Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; UBND thành phố Cà Mau; UBND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, Cái Nước, Năm Căn và Ngọc Hiển tăng cường công tác quản lý sản phẩm OCOP.

503-1716544822
Nước mắm Diệu Hương là một trong số 18 sản phẩm hết hiệu lực được công nhận sản phẩm OCOP. (Ảnh: KT).

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành rất nhiều văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Ngày 12/4/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau. Trong đó, quy định rất rõ về quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến lưu thông hàng hóa trên thị trường và quản lý về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP…

Các địa phương đã tích cực thông báo, triển khai, hướng dẫn các chủ thể trên địa bàn nắm vững các quy định để thực hiện đúng quy định hiện hành.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn một số chủ thể có sản phẩm đã hết hạn công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 vẫn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP) để in, dán trên bao bì, nhãn mác, vi phạm quy chế tại Điều 10 Quyết định số 742/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện: Đối với 18 sản phẩm của 12 chủ thể đã hết hiệu lực được công nhận sản phẩm OCOP.

Đề nghị UBND thành phố Cà Mau và các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, Cái Nước, Năm Căn và Ngọc Hiển tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thông báo, nhắc nhở các chủ thể nêu trên không được sử dụng logo OCOP để in, dán trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm nói trên, kể cả trong quá trình các chủ thể đang xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP theo quy định.  Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nếu phát hiện các chủ thể nêu trên vẫn tiếp tục vi phạm quy chế quản lý sản phẩm OCOP của tỉnh thì sẽ đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, đề nghị Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP đối với cơ sở tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh;

Ngoài ra, phát hiện và tiến hành xử lý đối với các cơ sở vi phạm theo quy định hiện hành. Đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục thông tin trên phương tiện đại chúng để các tổ chức và cá nhân biết.