Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su ở Gia Lai chưa hiệu quả

Dự án chuyển đổi 50 ngàn ha rừng nghèo sang trồng cao su tại tỉnh Gia Lai triển khai năm 2008, đến nay diện tích cây cao su sinh trưởng bình thường thì ít, diện tích cao su kém phát triển và bị chết thì nhiều.

Ngày 19/7, ông Trương Thanh Hà- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, liên quan đến chuyển 50 ngàn ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, UBND tỉnh Gia Lai đã cho phép triển khai thực hiện 44 dự án cho 16 doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Pa. Diện tích các doanh nghiệp đã trồng cao su 25.541,1ha. Đến thời điểm hiện nay, diện tích cao su sinh trưởng bình thường 9.008,6ha, diện tích cao su kém phát triển 14.084,5ha, diện tích cao su bị chết 2.448,0ha.

DSC02316
Ông Trương Thanh Hà (người đứng)- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Vỹ.
z5650747438192_d6a5834cb933de7fe4e4382016859aae
Nhiều diện tích trồng cy cao su ở huyện biên giới Chư Prông kém hiệu quả. 

Diện tích cây cao su bị chết, kém phát triển, nguyên nhân chủ yếu là do rừng khộp biến động mạnh, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp, tầng đất canh tác chỉ có độ sâu khoảng 50cm, đất cát hoặc đất cát pha thịt hoặc pha tỷ lệ đá kết von hoặc đất pha sét biến tính bí chặt, chỉ đủ điều kiện để rễ cọc phát triển trong 2-3 năm đầu, đến những năm sau không phát triển được hoặc chết do không phát triển rễ cọc qua tầng sét và bị úng, không thoát nước vào mùa mưa.

Năm 2018, được sự thống nhất, cho phép của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn về việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích cao su chết và kém phát triển; UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 năm triển khai vẫn chưa có mô hình chuyển đổi nào được đánh giá là thành công và phù hợp để có thể nhân rộng trên địa bàn.

Một số mô hình chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp (cây tếch của Trung đoàn 710-Binh đoàn 15), trồng cây ăn quả lâu năm (cây xoài của Công ty Cổ phần Cao su Trung Nguyên), trồng cây điều (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, Chư Păh).

Do chu kỳ sinh trưởng, thu hoạch các loài cây này khá dài, nên việc đánh giá mức độ thành công cần thời gian dài (ít nhất cần một chu kỳ sinh trưởng sản xuất kinh doanh của từng loại cây). Việc chuyển đổi cây trồng cần phải nghiên cứu đánh giá thật kỹ lưỡng tránh trường hợp, đầu tư không đem lại hiệu quả gây lãng phí nguồn lực x hội.

Phần lớn diện tích cao su chết, kém phát triển hiện nay các doanh nghiệp chỉ đầu tư ở mức tối thiểu để phòng chống cháy, như ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, Trung đoàn 710…

Theo ông Hà, hiện UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng các dự án chuyển đổi cây trồng bị chết, kém phát triển và các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Bình Dương (Binh đoàn 15) lập phương án trồng khảo nghiệm mô hình nông-lâm kết hợp bạch đàn – mía; Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (phương án trồng khảo nghiệm cây bắp lấy hạt); Trung đoàn 710 (phương án trồng thêm một số cây lâm nghiệp như bạch đàn, xà cừ, keo xen vào hàng băng vườn cây có mật độ 300 – 400 cây/ha); Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê xây dựng các mô hình lâm nghiệp trình diễn, trồng khảo nghiệm, phát triển vùng nguyên liệu trên đất cao su kém phát triển; Công ty TNHH Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức xây dựng dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương liên quan, các nhà khoa học… triển khai đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình chuyển đổi hơn 50.000 ha rừng trồng cao su để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu