Khắc phục sầu riêng bị méo trái

Sầu riêng đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao so với các loại cây ăn trái khác, tuy nhiên, người dân cũng nên lưu ý tình trạng sầu riêng bị méo trái sẽ làm giảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm khiến trái sầu riêng bị tụt giảm giá trị nghiêm trọng, không xuất khẩu được.

Trong những năm gần đây, sầu riêng đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao so với các loại cây ăn trái khác, đặc biệt từ tháng 7/2022, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng tươi nên giá loại trái cây này hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn.

Theo thống kê của Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn thị xã có khoảng 80 ha diện tích trồng sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh. Năng suất ước đạt 20 – 25 tấn/ha tuỳ theo vườn. Giá bán cho thương lái dao động từ 45.000 – 55.000 đồng/kg. Riêng với trái sầu riêng bị méo trái, giá bán giảm xuống, dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của nhà vườn.

Bên cạnh việc bón phân, phòng trừ các loại sâu bệnh hại thì người trồng sầu riêng cũng nên lưu ý tình trạng sầu riêng bị méo trái sẽ làm giảm chất lượng trái, mẫu mã sản phẩm khiến trái sầu riêng bị tụt giảm giá trị nghiêm trọng, không xuất khẩu được. Tỷ lệ méo trái khoảng 5 – 10 %/cây.

trb
Sầu riêng bị méo sẽ làm giảm chất lượng trái, mẫu mã sản phẩm khiến trái sầu riêng bị tụt giảm giá trị.

Nguyên nhân trái sầu riêng phát triển không đều, bị méo, mẫu mã không đẹp là do cây thụ phấn không đủ do sầu riêng có hoa lưỡng tính, nở về đêm, thụ phấn dị hoa nhờ dơi và côn trùng ban đêm.

Trong quá trình nuôi trái, cây ra đọt non dẫn đến trái sầu riêng bị méo mó: Giai đoạn từ 4 đến 8 tuần sau khi đậu trái, nếu cây bắt đầu ra đọt non ở giai đoạn này cây sẽ ưu tiên một lượng lớn chất dinh dưỡng để nuôi cơi đọt mới, lượng dinh dưỡng còn lại không đủ để nuôi trái, làm cho trái phát triển chậm, dị hình, làm méo trái hay còn gọi giật hộc.

Khi cây đậu quả để lại quá nhiều quả trên cùng một chùm, trên cây có nhiều lứa trái, gây cạnh tranh dinh dưỡng.

Theo Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Trảng Bàng, để khắc phục tình trạng trái sầu riêng bị méo, các nhà vườn nên áp dụng trong một vườn nên trồng vài giống khác nhau; thụ phấn nhân tạo để cây thụ phấn và đậu trái tốt hơn, trái được tròn đều, đầy đủ hộc, không bị méo mó thì lúc cây xổ nhụy, có thể hỗ trợ thụ phấn thủ công thêm cho cây. Thời điểm tiến hành thụ phấn tốt nhất là khoảng 6 – 9 giờ tối.

Chăm sóc vườn sau thu hoạch, cho vườn tập trung ra đọt trước lúc xổ nhụy, cùng lúc cây mới ra mắt cua. Giai đoạn từ khi cây ra mắt cua đến khi cây xổ nhụy tầm 1,5 – 2 tháng, ra đọt thành công trong giai đoạn này, lúc cây xổ nhụy, nuôi quả non thì lá bước vào giai đoạn lá lụa, không phát triển thêm cơi đọt, không cạnh tranh dinh dưỡng với trái non.

Tạo mầm: Thời điểm thích hợp để bón phân tạo mầm là lúc cơi cuối vừa chuyển lụa, thường là những loại NPK có tỷ lệ lân (P) cao.

Kéo đọt (cho vườn ra đọt tập trung): Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, 5 – 6 tuần sau khi tạo mầm sầu riêng sẽ xuất hiện mắt cua, 7 – 10 ngày sau, khi mắt cua vừa đều, cây sẽ ra đọt mới.

Khi thấy cơi đọt xuất hiện bằng đầu hạt gạo, cần bón thúc đọt ra nhanh, đều. Lưu ý, giai đoạn này cần phòng trừ rầy, rệp và nhện đỏ để bảo vệ cơi đọt vừa ra.

Không nên sử dụng quá nhiều đạm vào lúc mưa cũng như khi trái còn quá nhỏ; không sử dụng kích ra rễ, đọt giai đoạn này.

Nếu kéo đọt không thành công, đọt không xuất hiện hoặc đọt vừa xuất hiện thì bị rầy, rệp tấn công hay thời tiết khô lạnh làm đọt khô và rụng, thì khi đó cần áp dụng các biện pháp chặn đọt.

Chặn đọt: Dùng hóa chất hoặc dinh dưỡng để kìm hãm sự phát triển của đọt non. Cần chặn đọt kịp thời khi lá còn ở dạng mầm.

Một số hóa chất thường được dùng để chặn đọt như Kali Nitrat (KNO3), MKP, Kali sunphat, Hexaconazole, Lân 2 chiều, …

Phun lúc đọt vừa bằng hạt gạo, phun ướt đều tán lá lúc sáng sớm hoặc chiều mát, hạn chế phun trực tiếp vào hoa hay trái non, phun 2 – 3 lần cách nhau 5 – 7 ngày.

Biện pháp chặn đọt chỉ nên áp dụng khi biện pháp kéo đọt không thể áp dụng hoặc thất bại để bảo vệ sức khỏe của cây trồng.

Tỉa bông: Chỉ nên để 1 – 2 đợt hoa tập trung; tỉa bỏ toàn bộ bông đầu cành; tỉa thưa các chùm bông trong cành, các chùm bông cách nhau khoảng 15 – 20 cm, ưu tiên chừa lại chùm bông dưới dạ (bụng), tỉa bỏ các chùm bông bên hông; tỉa bông trong chùm: tỉa bỏ bông ốm, nhỏ, xấu, bị sâu bệnh, dị dạng… mỗi chùm bông chỉ chừa khoảng 10 – 20 bông.

Tỉa trái non: chỉ nên để 1 hoặc 2 trái trên một chùm và để trái trên cành thích hợp, không nên để trái trên những cành có kích thước nhỏ, khả năng đậu quả kém vì có thể làm chết cả cành.

Trong thời kỳ nuôi trái, ngoài việc tỉa trái non cũng cần bổ sung các loại nguyên tố đa, trung, vi lượng cho cây để giúp thúc trái lớn nhanh, đều và chống hiện tượng méo trái.