Khởi nghiệp vì ‘nông sản không phải để giải cứu’

Là nền tảng kết nối người nông dân sản xuất, nhà vận chuyển với người tiêu dùng, Foodmap ra đời với mong muốn tìm đầu ra cho nông sản Việt ổn định với giá hợp lý, bởi “nông sản không phải để giải cứu”.

Theo anh Phạm Ngọc Anh Tùng (sinh năm 1989) – nhà sáng lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO, trụ sở tại quận Tân Phú, TP.HCM, không có lý do gì mà nông sản sạch, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng lại không bán được hàng. Vấn đề là cần một phương pháp mới, linh hoạt và sáng tạo.

Nông sản không phải để giải cứu

Ra đời vào tháng 12-2018, Foodmap là một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao về nông nghiệp. Đây là nền tảng chuyên kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Khởi nghiệp vì nông sản không phải để giải cứu - Ảnh 2.

Foodmap tuyển chọn những sản phẩm chất lượng nhất để đưa đến người tiêu dùng – Ảnh: SƠN TRANG

Theo anh Tùng, để có nguồn nông sản sạch và ngon, đội ngũ của anh đã đi khoảng 50 tỉnh thành ở Việt Nam để tìm kiếm và thu mua.

“Quá trình đó giúp chúng tôi hiểu hơn về câu chuyện sản xuất của người nông dân, rồi chia sẻ lại với người tiêu dùng, giúp khách hàng hiểu đằng sau mỗi sản phẩm đều có những câu chuyện người thật việc thật và tin tưởng Foodmap”, anh Tùng nói.

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 4 năm start-up, anh Tùng nhận ra chìa khóa quan trọng để giải các vấn đề khác trong chuỗi cung ứng là phải tìm được đầu ra của nông sản.

Anh chia sẻ: “Mình không muốn bán nông sản Việt với giá rẻ, vì nếu chất lượng thì cần được bán với giá hợp lý. Khi người dùng hiểu được giá trị nông sản, không ngần ngại bỏ tiền ra mua với giá phù hợp chất lượng thì nông nghiệp Việt mới có được bệ phóng vững chắc để sản xuất và phát triển xa hơn”.

Hiện Foodmap hoạt động theo hai mô hình bán sỉ và bán lẻ với đa kênh bán hàng như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn thương mại điện tử trên cả nước, website của Foodmap. Với mô hình bán lẻ, Foodmap sẽ vận chuyển hàng hóa vào kho của Foodmap tại TP.HCM rồi giao tới khách lẻ trên toàn quốc.

Mỗi sản phẩm đưa lên Foodmap phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí: truy xuất nguồn gốc; có các chứng nhận uy tín về chất lượng sản phẩm; được đội ngũ Foodmap đánh giá thực tế tại cơ sở sản xuất, kiểm tra thông tin độc lập; sản phẩm ngon, hấp dẫn người dùng.

Sau khi thành công với sản phẩm bán đầu tiên là hồng treo gió Đà Lạt, đến nay Foodmap có 3 nhóm sản phẩm chính, nhận được sự đón nhận đông đảo của người tiêu dùng.

Đầu tiên là trái cây tươi được thu mua theo mùa ở khắp các vùng miền. Thứ hai là sản phẩm chế biến sẵn như bánh lọc, cá kho, xôi khúc, bánh bao… mua về chỉ cần chiên, xào, hoặc hâm nóng lên rồi ăn ngay. Sản phẩm này phục vụ nhóm đối tượng là dân văn phòng vốn không có nhiều thời gian nấu nướng. Thứ ba là mặt hàng khô như trà, cà phê, snack… Ngoài ra cũng còn một số mặt hàng khác bán kèm theo.

Sau hơn 4 năm ra đời, Foodmap hiện có 3 lãnh đạo và gần 100 nhân sự với phần lớn ở độ tuổi khá trẻ, nhiệt huyết. Ngoài trụ sở chính ở TP.HCM, công ty có những địa điểm thu mua khác ở miền Tây, Tây Nguyên…

Giấc mơ vươn xa nông sản Việt

Khởi nghiệp vì nông sản không phải để giải cứu - Ảnh 3.

Anh Phạm Ngọc Anh Tùng đại diện Foodmap nhận giải thưởng quán quân Doanh nhân vì cộng đồng Blue Venture Award mùa 3 – Ảnh: NVCC

Trước khi thành lập Foodmap, anh Tùng từng có khoảng thời gian có cơ hội tiếp xúc sâu ở mảng nông nghiệp với nhiều vai trò trong chuỗi cung ứng. Trong quá trình đó, nhận thấy nông nghiệp có nhiều tiềm năng, đặc biệt là Việt Nam, nông nghiệp mang lại giá trị xã hội rất lớn, anh quyết định chọn nông nghiệp để theo đuổi.

CEO người Huế tâm sự: “Foodmap ra đời với xuất phát từ con số 0 tròn trĩnh: không vốn, văn phòng 20m2 đi mượn, website, công nợ hàng hóa được nhà cung cấp hỗ trợ. Tài sản quý giá nhất chính là niềm đam mê vô hạn các sản phẩm nông sản Việt và sự am hiểu sâu sắc thị trường nông nghiệp Việt Nam của các thành viên sáng lập”.

“Tận dụng công nghệ, Foodmap phát triển một số giải pháp, ứng dụng để tối ưu từng mắt xích trong chuỗi cung ứng như vấn đề thu mua nông sản, quy trình vận hành cũng gia tăng sự hiện diện gần hơn với người tiêu dùng. Ngoài ra, Foodmap có phát triển riêng hệ thống truy xuất nguồn gốc nội bộ cho nhà cung cấp để họ sử dụng hoàn toàn miễn phí”, anh Tùng cho hay.

Nhận thấy cơ hội trong mảng nông nghiệp Việt Nam rất lớn, trong ba năm tới, start-up này đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản Việt mang thương hiệu Việt ra nước ngoài với giá trị cao.