Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang vận động, khuyến khích nông dân trong tỉnh tiếp tục giữ vững diện tích hơn 11.350 ha mô hình sản xuất rừng – tôm, lúa – thủy sản trong năm 2025. Đây là mô hình sản xuất bền vững vừa đem lại mức thu nhập cao về giá trị sản phẩm, vừa tạo sự bền vững hệ sinh thái vùng ngập mặn của tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Trường Giang cho biết, năm 2024, tỉnh Trà Vinh có hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng ven biển và tại vùng nước lợ trong tỉnh phát triển sản xuất hơn 5.750 ha mô hình rừng – tôm và 5.600 ha lúa – thủy sản. Mô hình này cho sản phẩm sạch, nâng cao giá trị, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân mức bình quân khoảng 100 – 120 triệu đồng/ha/năm. Đây còn là mô hình sản xuất phù hợp với những hộ nông dân không đủ điều kiện về nguồn vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Lãm, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, gia đình đã thực hiện mô hình rừng – tôm từ nhiều năm nay. Với diện tích 4 ha được ông bố trí đào ao và trồng các loại cây rừng như đước, sú, mắm, theo tỷ lệ 40% rừng – 60% mặt nước ao để tạo bóng mát và làm nơi trú ngụ cho tôm cùng các loài thủy sản khác. Mỗi năm ông thả nuôi khoảng 50.000 con tôm sú giống và 6.000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ tốn tiền mua con giống, chi phí thức ăn không đáng kể nên thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Tương tự, ông Lê Văn Lắm, ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cũng có 4 ha thực hiện mô hình rừng – thủy sản nuôi kết hợp tôm sú, tôm thẻ, cua biển và một vài loại cá vùng nước mặn, lợ. Với diện tích ao nuôi này, mỗi năm, ông Lắm thả nuôi 45.000 con tôm giống, 10.000 con cua biển; riêng cá giống được thu từ nguồn tự nhiên. Nhờ sản phẩm tôm, cua , cá nuôi trong môi trường sinh thái, thu hoạch theo phương thức tỉa thưa, chọn kích cỡ lớn nên giá bán luôn cao hơn 15 – 20% so với các loại thủy sản nuôi công nghiệp. Bình quân, gia đình ông Lắm thu lợi nhuận ròng mỗi năm từ hơn 200 triệu đồng.
Cùng với mô hình rừng – tôm, những năm gần đây, nông dân ở các vùng nước lợ trong tỉnh Trà Vinh còn phát triển mạnh mẽ mô hình lúa – thủy sản cho thu nhập cao và ổn định. Cụ thể, mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở 2 xã đảo Long Hòa, Hòa Minh huyện Châu Thành cho mức lợi nhuận ròng 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Nhanh, Bí thư Đảng ủy Long Hòa, 8 năm nay, xã Long Hòa có hơn 200 hộ nông dân ký kết cùng 3 doanh nghiệp, gồm Công ty Minh Trung, Công ty Thiên Sinh và Công ty Châu Hưng hợp đồng bao tiêu toàn bộ diện tích 101 ha lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh. Giá lúa tươi ST.24 hữu cơ được các doanh nghiệp bao tiêu 11.000 đồng/kg, cao gần 2 lần so lúa thường. Với giá lúa này, nông dân đạt lợi nhuận từ 35 – 45 triệu đồng/ha, cao hơn 20 – 25 triệu đồng/ha so lúa thường.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thành, xã Long Hòa cho biết, mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa là phương thức chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân liên tục trong nhiều năm qua. Bình quân, trên diện tích 1 ha sản xuất cùng với nguồn thu từ lúa hữu cơ, sản lượng tôm càng xanh nuôi cho thu hoạch khoảng 550 kg/vụ. Tính tổng lợi nhuận của mô hình sản xuất lúa hữu cơ – tôm xanh, nông dân thu lãi ròng từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Huệ, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh vừa bảo vệ môi trường, cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đảm bảo tính bền vững so với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo phương thức bán thâm canh và thâm canh nhiều rủi ro do nuôi tôm 2 – 3 vụ/năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Trà Vinh cho hay, địa phương có nhiều vùng đất sản xuất có đủ điều kiện để phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản để tăng hiệu quả kinh tế. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch phát triển một số vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao; trong đó diện tích lúa hữu cơ được tổ chức sản xuất 1.000 ha và phấn đấu đến năm 2030 là 2.500 ha. Các địa phương trong tỉnh được qui hoạch bố trí sản xuất lúa hữu cơ chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang cùng các địa phương và sở, ngành chức của tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp về mặt kỹ thuật trồng trọt, chế biến, bảo quản… đủ điều kiện và được chứng nhận các tiêu chuẩn như: VietGAP, HACCP, ISO,… và tiêu chuẩn tương đương khác để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tạo điều kiện thuận lợi đưa sản phẩm đến nhiều thị trường ngoài nước, nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu