Loạt thách thức của cây dừa trước ngưỡng cửa “cây tỷ USD”

Xuất khẩu dừa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá vượt mốc 1 tỷ USD, nhưng ngành hàng này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói…

Từ con số khiêm tốn 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010, ngành dừa Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. Những con số ấn tượng này không chỉ phản ánh sự tăng trưởng vượt bậc mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành dừa trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Trước tiềm năng to lớn ấy, sáng 13/12, Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” đã được tổ chức. Sự kiện nhằm thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân nắm bắt các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Thách thức của ngành dừa

Phát biểu tại diễn đàn, ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre – nhấn mạnh: “Bến Tre, với diện tích trồng hơn 80.000 ha dừa, được coi là thủ phủ dừa của cả nước. Đây không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn là nguồn thu nhập chính cho hơn 200.000 hộ dân nông thôn tại tỉnh”.

Loạt thách thức của cây dừa trước ngưỡng cửa "cây tỷ USD"- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre.

Theo ông Đức, mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh hơn 350 triệu USD. Không dừng lại ở việc sản xuất truyền thống, sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý.

Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700ha, đồng thời, hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…

Loạt thách thức của cây dừa trước ngưỡng cửa "cây tỷ USD"- Ảnh 2.

Xuất khẩu dừa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, nhưng ngành hàng này vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Mặc dù được đánh giá cao về tiềm năng, ngành dừa Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất và nhà máy tại Bến Tre, nguồn cung nguyên liệu tại tỉnh này không đủ đáp ứng cho toàn bộ hoạt động. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoặc chỉ duy trì sản xuất cầm chừng với công suất đạt vỏn vẹn 10-15%.

Ngoài ra, những năm gần đây, thuế suất 0% đối với nguyên liệu dừa khô đã khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn đặt cơ sở sơ chế tại Việt Nam, sau đó xuất sang Trung Quốc để chế biến sâu.

Bà Thanh nhấn mạnh: “Nếu không sớm có các chính sách thuế phù hợp, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu trong nước, ngành công nghiệp chế biến dừa của Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái”.

Loạt thách thức của cây dừa trước ngưỡng cửa "cây tỷ USD"- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Phong Phú – Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group.

Không chỉ vậy, một thách thức khác cũng được nêu ra tại diễn đàn là tình trạng gian lận trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Ông Nguyễn Phong Phú – Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group cho biết: “Một số tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng đã bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các thị trường quốc tế siết chặt kiểm soát, đặc biệt là Trung Quốc”.

Để khắc phục thực trạng trên, ông Phú đề xuất xây dựng hệ thống số hóa để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chặt chẽ từ sản xuất đến xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi gian lận và tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia.

Tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xuất khẩu

Tại diễn đàn, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – lưu ý rằng dừa tươi xuất khẩu, bao gồm cả dừa có vỏ xanh và đã gọt vỏ, phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và được đăng ký trên cổng CIFER do Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Loạt thách thức của cây dừa trước ngưỡng cửa "cây tỷ USD"- Ảnh 4.

Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%.

Chia sẻ cụ thể các hướng dẫn xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc, bà Phan Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật Sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ Thực vật) nhấn mạnh: Để đáp ứng quy định về vùng trồng và cơ sở đóng gói, cần tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản như bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu; đăng ký mã số thực hiện trên cơ sở tự nguyện; kiểm tra và đánh giá là căn cứ để cấp, duy trì hoặc phục hồi mã số; mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu và giám sát bởi cơ quan quản lý.

Theo bà Hiền, Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc quy định, dừa phải có vỏ xanh và cuống ngắn ≤ 5cm, không lẫn đất và tàn dư thực vật. “Sản phẩm xuất khẩu cần tuân thủ các luật, quy định về kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, và các yêu cầu của nghị định thư”, bà Hiền nói.

Bên cạnh đó, vị này cũng nhấn mạnh khâu quản lý vùng trồng và quá trình đóng gói, sơ chế cần được thực hiện theo tiêu chuẩn, bảo đảm hệ thống truy xuất nguồn gốc, các cơ sở có nền cứng và vệ sinh sạch sẽ, cùng khu chế biến và bảo quản riêng biệt.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu