Nâng cao chất lượng cam nhờ mô hình VietGap

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn thương hiệu cam Vũ Quang do người nông dân đã chuyển sang hướng thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap.

Từ khi tham gia mô hình này, người dân trồng cam huyện Vũ Quang đã yên tâm hơn trong việc trồng và chăm sóc cây cam, đưa ra thị trường loại cam an toàn chất lượng mà không nơi nào có được.

Ổn định cuộc sống nhờ trồng cam

Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Duy Hải (xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi được nghe về câu chuyện thay đổi cuộc sống nhờ trồng cam của ông cùng nhiều hộ dân tại Vũ Quang. Dẫn phóng viên đi tham quan đồi cam rộng hơn 2 hecta, ông Hải vừa cho biết: “Trước khi trồng cam thì gia đình tôi trồng cây cọ là chủ yếu. Thời điểm đó, cuộc sống còn khó khăn, người dân ở nhà gỗ lợp mái cọ nên cây cọ được ưa chuộng, cùng đó, phần cuống của tàu cọ được dùng làm mành nên cũng mang lại chút thu nhập cho gia đình.

nang cao chat luong cam nho mo hinh vietgap
Bắt đầu trồng cam từ năm 2012, tính tới thời điểm hiện tại, khu vườn rộng 2ha của ông Nguyễn Duy Hải đã có gần 1.000 gốc cam.

Tuy nhiên, do tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những mái nhà lợp bằng cọ dần được thay thế bằng các loại vật liệu kiên cố như mái ngói, brô xi măng, do đó người dân không có nhu cầu sử dụng lá cọ. Thực tế đó đòi hỏi gia đình tôi cùng các hộ dân trong xã phải tìm một loại cây trồng thay thế cây cọ để nâng cao đời sống cho gia đình”.

Theo ông Hải, địa phương có những yếu tố về khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây cam. Tuy là vùng miền có khí hậu khắc nghiệt, đất đai phần lớn là sỏi đá thế nhưng đây lại là những yếu tố phù hợp cho việc trồng cam chanh. Thực tế cho thấy, những năm nào nắng nhiều thì cam có độ ngọt hơn so với những mùa gặp phải mưa nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc, để tạo độ ẩm cho cây, nhiều gia đình đã đầu tư hệ thống tưới nước thường xuyên, tuy nhiên, cam sau khi thu hoạch lại không đạt độ ngọt như trước khi tưới nên người dân cũng hạn chế việc tưới nước cho cam. Cũng chính vì yếu tố ưa hạn mà người dân huyện Vũ Quang cũng tiết kiệm một phần chi phí trong việc trồng và chăm sóc loại cây ăn quả này.

Tỉnh Hà Tĩnh được biết tới là một trong những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của các đợt mưa bão, do đó, việc trồng và chăm sóc cam của người dân còn phụ thuộc vào tự nhiên. Thế nhưng, với bản tính chăm chỉ, cần cù, những người nông dân vẫn tiếp tục bám đất, bám đồi, quyết tâm làm chủ trên chính mảnh đất của gia đình. “Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng, việc trồng cam cũng vậy, tuy nhiên so với việc trồng các loại cây trồng khác như café, tiêu… thì tôi thấy trồng cam đơn giản hơn nhiều. Kể từ khi có cây cam, kinh tế gia đình tôi ổn định, khấm khá hơn so với trước đây” – ông Hải vui vẻ tâm sự.

Trong quá trình trồng và chăm sóc, gia đình ông Hải cũng rất chú tâm trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cây. Ngay từ khi có ý tưởng trồng cam, ông Hải đã quy hoạch khu vườn của mình theo mô hình nuôi trồng kết hợp. Bởi vậy, gia đình ông Hải luôn có sẵn những loại phân bón hữu cơ, hiện toàn bộ cam nhà ông đều được bón bằng phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học. Loại phân này sau khi được ủ sẽ bón cho cam, số lần bón phân cũng dựa vào tuổi của cây cam. Theo đó, những cây cam nhỏ sẽ được bón phân 2 lần/ năm, còn cam lâu năm thì gia đình chỉ bón phân một lần và trước thời điểm thu hoạch 1 tháng sẽ bón thêm kali để tạo độ ngọt cho trái cam.

nang cao chat luong cam nho mo hinh vietgap
Cam được trồng theo mô hình VietGap đưa lại năng suất và chất lượng cao.

Hiện tại sản phẩm cam chanh của gia đình ông Hải đã được xuất bán đi nhiều thị trường tiềm năng như Vinh, Nghệ An. Thời gian tới, khi cam chín rộ, ông sẽ xuất đi những tỉnh xa như Đà Nẵng, Vũng Tàu. Mỗi lần thu hoạch, gia đình ông Hải xuất đi khoảng 3 tạ với giá cam đẹp bán tại vườn là 30 nghìn đồng/ kg, cam loại 2 thì dao động chừng 10 – 15 nghìn đồng/ kg. Được biết, mỗi năm, nếu trừ mọi chi phí thì vườn cam rộng 2ha với gần 1000 gốc cam mang lại thu nhập khoảng tầm 300 triệu. Với mô hình trồng cam VietGap, ông Hải tin tưởng rằng gia đình ông có thể thu tới gần 500 triệu đồng/năm.

Với tinh thần học hỏi, cầu tiến, năm 2017, hộ gia đình ông Nguyễn Duy Hải vinh dự được công nhận là nhà vườn kiểu mẫu đạt chuẩn của tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm hiện tại, cam vào mùa chín rộ, gia đình ông Hải cũng đón tiếp nhiều đoàn tham quan từ các nơi đến học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Ngày 4/11 vừa qua, gia đình ông Hải đã tiếp đón đoàn tham quan của Trường Mầm non Đức Lĩnh. Tại đây các em nhỏ đã được tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo vườn cam với nhiều hoạt động thú vị.

Nhân rộng mô hình cam theo hướng Vietgap

Những năm gần đây, thương hiệu cam Vũ Quang ngày càng được ưa chuộng do cam có chất lượng ngon, quả đẹp. Tuy nhiên các hộ gia đình ở huyện Vũ Quang phần lớn đều trồng theo hình thức tự phát, manh mún, không có tổ chức nên đầu ra cho sản phẩm thường gặp phải khó khăn. Để hỗ trợ người dân, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện cho các xã trong huyện hình thành vùng sản xuất sản phẩm theo hướng VietGap. Theo đó, các hộ gia đình xã Đức Bồng đã tập hợp lại hình thành vùng sản xuất thâm canh cây cam theo mô hình VietGap với tên gọi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và chăn nuôi Tổng hợp Đức Bồng.

Tham gia mô hình trồng cam theo hướng VietGap, các hộ gia đình cũng được hưởng nhiều ưu đãi. Theo ông Tuấn, trong quá trình sản xuất, ngoài được trang bị kiến thức kinh nghiệm, các xã viên sẽ được mua vật tư nông nghiệp với giá thấp. Để nâng cao kiến thức trong việc trồng cây ăn quả theo hướng VietGap, các xã viên sẽ được đi tham quan học hỏi mô hình trồng cây ăn quả tại các địa phương khác.

Khi tham gia mô hình này, các xã viên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây cam. “Tham gia mô hình trồng cam theo hướng VietGap, mình và các xã viên sẽ được trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam, trong quá trình trồng nếu gặp phải vướng mắc cũng được hướng dẫn cụ thể để cùng nhau phát triển tạo thành vùng sản xuất an toàn.

Quan trọng hơn, cam sản xuất theo mô hình VietGap sẽ được dán nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, do vậy người tiêu dùng sẽ hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm, từ đó tăng thêm niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu cam Vũ Quang” – Ông Nguyễn Duy Hải cho hay.

Chia sẻ với phóng viên về những hiệu quả từ việc thành lập Hợp tác xã sản xuất cam sạch theo hướng VietGap, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và chăn nuôi Tổng hợp Đức Bồng cho biết: “Hiện tại, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và chăn nuôi Tổng hợp Đức Bồng đang có 29 xã viên tham gia mô hình trồng cam VietGap. Để tham gia Hợp tác xã thì các xã viên phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn sạch sẽ, thoáng đãng, các hệ thống tưới tiêu, bón phân… được đồng bộ hóa đúng quy định, cam trĩu quả, to đều, hình thức đẹp. Các hộ dân tham gia sắp tới sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, góp phần xây dựng thương hiệu cam Vũ Quang sau năm đầu tiên thực hiện”

Tham gia mô hình trồng cam theo hướng VietGap, các hộ gia đình cũng được hưởng nhiều ưu đãi. Theo ông Tuấn, trong quá trình sản xuất, ngoài được trang bị kiến thức kinh nghiệm, các xã viên sẽ được mua vật tư nông nghiệp với giá thấp. Để nâng cao kiến thức trong việc trồng cây ăn quả theo hướng VietGap, các xã viên sẽ được đi tham quan học hỏi mô hình trồng cây ăn quả tại các địa phương khác.

Song song với đó, Hợp tác xã sẽ kết nối tới các doanh nghiệp, chủ siêu thị mời tham quan và tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất cam sạch của các xã viên để từ đó giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm, đưa thương hiệu cam sạch Vũ Quang tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước.