Những gam màu sáng tối trên bức tranh xuất khẩu nông sản

7 tháng đầu năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản duy trì mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, song song với những con số tăng trưởng ấn tượng đó là những cảnh báo “vượt rào” tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam đều đặn.

Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam đều đặn

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chứng kiến sự đột phá ấn tượng

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 2,45 tỷ USD; nhóm lâm sản đạt 1,46 tỷ USD; nhóm thủy sản đạt 880 triệu USD; nhóm chăn nuôi đạt 48 triệu USD…

Trong đó, nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu chứng kiến sự đột phá ấn tượng, chẳng hạn như cà phê đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 31%, gạo đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 25%, rau quả đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, ngành nông nghiệp có khởi đầu khá tốt khi duy trì được mức tăng trưởng ổn định, nhất là khi sản xuất nông nghiệp vừa được mùa, vừa được giá. Số liệu thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp tăng 10,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hàng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phúc Sinh chia sẻ: “Đây là những con số đáng mừng cho ngành nông sản Việt. Về phía Phúc Sinh, trong nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận hoạt động xuất khẩu cà phê, hồ tiêu sang 2 thị trường chính là Mỹ và châu Âu tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, giá cà phê và hồ tiêu ghi nhận mức tăng ngoạn mục, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023, tạo cơ hội mở rộng trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, ngành rau quả cũng kỳ vọng lập kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay, khi lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu năm. Đây chính là bước chạy đà quan trọng giúp ngành hàng này bứt tốc.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ liên tục, nên xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp tăng trưởng khá ấn tượng trong nửa đầu năm. Trong đó, nhiều loại trái cây thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Australia, New Zealand…

“Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ và xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan. Với mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc, đơn hàng của doanh nghiệp tăng đột biến, dự kiến xuất khẩu 2.500 tấn sầu riêng tươi trong năm nay. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng đến hai con số so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tùng phấn khởi.

Tương tự, ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm thông tin, với các sản phẩm liên quan đến mật hoa dừa nước, trong nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận hoạt động xuất khẩu tăng khoảng 200% so với năm 2023, tập trung tại các thị trường Đức, Hà Lan, Mỹ và mở rộng thêm thị trường Australia.

“Hiện tại, Trà Vinh Farm đang làm việc với đối tác Hàn Quốc để mở rộng thị trường. Dự đoán, 6 tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng và phát triển theo chiều hướng tốt hơn”, ông Ngãi nói.

Cảnh báo về tiêu chuẩn chất lượng cũng gia tăng

Những gam màu sáng tối trên bức tranh xuất khẩu nông sản

Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ hàng Việt Nam bị cảnh báo về tiêu chuẩn chất lượng cũng gia tăng.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong 6 tháng năm 2024 số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản từ EU tăng bất thường, tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.

Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%). “Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, ông Nam nhận định.

Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thường số lượng cảnh báo, ông Nam cho rằng có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

Khách quan là xu thế các quốc gia, vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp SPS đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. Xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh…

Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.

Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Đơn cử như khảo sát tại Thừa Thiên – Huế năm 2020 cho thấy, 95% hộ nuôi tôm sử dụng kháng sinh.

Bên cạnh đó, trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng. Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói.

Trong khi đó, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

Hay như hồi giữa tháng 6/2024, theo văn bản thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có 77 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này bị phát hiện có chứa cadmium (một kim loại nặng) vượt mức cho phép.

Theo đó, việc phát hiện sầu riêng nhiễm cadmium đã vi phạm quy định của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng cục hải quan Trung Quốc cũng như vi phạm quy định tại Luật an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện được xác định có liên quan đến 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng.

Ngoài các đơn vị bị cảnh báo, phía Trung Quốc cũng đã quyết định cấm nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam kể từ ngày 12-6-2024.

Các vi phạm nêu trên bị phát hiện sau khi phía Trung Quốc tăng cường mức độ giám sát, kiểm tra các lô hàng nhập khẩu vào quốc gia này.

Trước vấn đề nêu trên, Tổng cục hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu phía Việt Nam xác định nguyên nhân khiến sầu riêng xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn, đồng thời, thực hiện các biện pháp khắc phục cũng như tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm tránh tình trạng tương tự xảy ra.

Điều đáng nói hơn, sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo vi phạm an toàn chất lượng sản phẩm không phải lần đầu xảy ra.

Trước đó, báo cáo của Cục bảo vệ thực vật cho thấy, số lượng mã số vi phạm bị cảnh báo đối với sầu riêng là 187, trong đó, có 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, có đến 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói được xác định vi phạm nhiều lần, trong khi có 80 mã số vùng trồng và 43 mã số cơ sở đóng gói vi phạm một lần.