Ninh Thuận thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Trong năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP; nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Nâng cao chất lượng sản phẩm ocop

1
Hiện tỉnh Ninh Thuận có 182 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 152 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao.

Sau 5 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Ninh Thuận có 182 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 152 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao với mẫu mã đa dạng, hấp dẫn.

Các sản phẩm OCOP đều được đánh giá, phân hạng qua từng năm giúp các địa phương có cơ sở để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết; góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Nhiều sản phẩm OCOP đã tạo được sức hút với người tiêu dùng và có sức mua lớn trên thị trường. Để đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, nhiều địa phương đang đẩy mạnh liên kết đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ sanphamninhthuan.vn; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia và duy trì trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài như Alibaba, Amazon, Lazada, Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart,…

Đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận có hơn 300 sản phẩm của 92 đơn vị; trong đó, 123 sản phẩm OCOP của 50 doanh nghiệp, cơ sở đã được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận tích cực tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại – du lịch, kết nối giao thương, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh với các đối tác thương mại.

Cùng với xúc tiến thương mại trong nước, việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị tham gia các hội nghị xúc tiến hợp tác với Ấn Độ; ký và trao biên bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh, Saudi Arabia; đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ quảng bá tỉnh Ninh Thuận với các đối tác thuộc thị trường Halal toàn cầu. Ngoài những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh như: tôm đông lạnh, nhân điều, sản phẩm may mặc, nha đam,… sang thị trường các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, Hà Lan, Anh…cũng được đẩy mạnh triển khai.

Hiện nay, một số sản phẩm mới, tiềm năng của tỉnh Ninh Thuận như măng tây tươi cũng đã được khai thác để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), sản phẩm đá xây dựng xuất khẩu sang thị trường Singapore.

Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của tỉnh ước đạt 210 triệu USD, tăng 1,7% so với năm 2022. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các đơn vị sản xuất thông qua ứng dụng thương mại điện tử, kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và duy trì đà tăng trưởng, trong thời gian tới Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ Công Thương và các bộ, ngành, đơn vị, địa phương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại; đồng thời đưa ra những giải pháp để hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững.

Cụ thể, Ninh Thuận triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với chương trình hành động hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông sản đặc thù, sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, phối hợp với bộ phận chuyên môn thuộc Bộ Công thương xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm trên cả nước thông qua các nền tảng số.

Cùng đó, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục phát triển chuỗi các điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh hoạt động kết nối hội nhập quốc tế, phát triển ngoại thương mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Ninh Thuận sang các nước, nhất là thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và thị trường Trung Quốc.

Ngoài hoạt động hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần chủ động đổi mới mô hình, cách thức tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết đồng bộ, hiện đại; đồng thời, tiếp tục nêu cao tinh thần hợp tác, hỗ trợ phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Phấn đấu có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP

2
Trong năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP.

Ông Trương Khắc Trí – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai hướng dẫn duy trì chất lượng, nâng hạng sao sản phẩm OCOP; tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; phối hợp với địa phương thực hiện việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP. Tiếp tục triển khai có hiệu quả về Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong đó ưu tiên triển khai các dự án quản lý phát triển các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP, trong đó có thêm 2-5 sản phẩm 4 sao; 1-2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 15 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh thực hiện các dự án VietGAP đối với các sản phẩm OCOP và đặc thù nhằm từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn hóa các sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường…

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2024 liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP và đặc thù (đổi mới, ứng dụng công nghệ; sở hữu trí tuệ; truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm OCOP và đặc thù (VietGap, Global Gap; VietGAHP, HACCP…); tham gia Techmart, TechDemo, Growtech; Triển lãm OCOP…)…