Nửa đầu năm, xuất khẩu sắn đạt trên 600 triệu USD

Nửa đầu năm, sản lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thu về hơn 630 triệu USD, tương đương hơn 1,3 triệu tấn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về hơn 68 triệu USD với sản lượng đạt 141.228 tấn, tăng mạnh 19,2% về lượng và tăng 31,7% về trị giá so với tháng 5/2024.

Thông tin trên báo Công Thương, lũy kế trong nửa đầu năm, sản lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 630 triệu USD, tương đương hơn 1,3 triệu tấn, tuy giảm 7,7% về lượng nhưng tăng 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng của xuất khẩu sắn trong nửa đầu năm là giá xuất khẩu chứng kiến mức tăng mạnh. Giá xuất khẩu bình quân đạt 454 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục giữ ngôi vị là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Cụ thể trong 6 tháng, thị trường này đã nhập khẩu hơn 1,26 triệu tấn sắn từ Việt Nam với kim ngạch đạt 569 triệu USD, giảm 6% về lượng tuy nhiên tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 451 USD/tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Hàn Quốc là thị trường xut khẩu sắn lớn thứ 2 của Việt Nam với 35.849 tấn, trị giá gần 10,1 triệu USD, giảm 54% về lượng và giảm 62% về kim ngạch. Giá xuất khẩu giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 306 USD/tấn.

Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 3 với 27.697 tấn, tương đương hơn 15 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 15% về trị giá. Giá xuất khẩu cũng ghi nhận tăng 11%, đạt 553 USD/tấn.

Ngoài ra, nước ta còn xuất sang các thị trường khác như Malaysia, Myanmar, Nhật Bản,…

Nửa đầu năm, xuất khẩu sắn đạt trên 600 triệu USD- Ảnh 1.

Xuất khẩu sắn mang về 600 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022. Sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022. Cùng với Thái Lan, nước ta hiện đang thống lĩnh nguồn cung xuất khẩu toàn cầu với kim ngạch năm 2023 đạt hơn 1,3 tỷ USD.

Theo báo Chính phủ, để phát triển bền vững ngành hàng sắn, Bộ Nông nghip và Phát triển nông thn (NN&PTNT) đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 – 2 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu chung của Đề án là phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 – 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm khoảng 85%. Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 – 50%. Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 – 2 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70 – 80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính…) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 – 2,5 tỷ USD.

Về sản xuất, đến năm 2030, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 480 – 510 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 11,5 – 12,5 triệu tấn, định hướng phân bố tại 5 vùng trọng điểm gồm: Trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ.

Về chế biến, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn (tinh bột, etanol, mỳ chính…). Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, mỳ ăn liền, thức ăn chăn nuôi… sử dụng sắn và tinh bột sắn làm nguyên liệu.

Ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong chế biến sắn để nâng cao chất lượng, sử dụng tối đa sản phẩm phụ, bảo vệ môi trường.

Để thực hiện thành công Đề án này, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương xác định quy mô vùng trồng sắn trong quy hoạch của tỉnh và các định hướng khác có liên quan.

Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; trọng tâm là hỗ tr thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã sản xuất sắn.

Căn cứ điều kiện thực tiễn, các doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình trồng sắn xây dựng vùng nguyên liệu; cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.

Về phần khoa học công nghệ, Đề án chỉ rõ cần phải thu thập, trao đổi, lưu giữ nguồn gen các giống sắn phục vụ công tác chọn tạo giống; nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống sắn mới có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu với sinh vật gây hại như khảm lá sắn, chổi rồng, thối củ…

Nhân rộng và hoàn thiện hệ thống nhân giống sắn theo 3 cấp (giống gốc/giống đầu dòng, giống cấp 1, giống cấp 2), trong đó tập trung vào các giống sạch bệnh, giống mới có năng suất, chất lượng cao tại các địa phương để từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng giống sắn đúng tiêu chuẩn chất lượng.

Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao vào thực tiễn các quy trình kỹ thuật sản xuất sắn theo hướng bền vững tại các vùng sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sắn…

Ngoài ra, nghiên cứu, chế tạo hoặc nhập khẩu công nghệ mới trong chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm từ sắn. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm từ sắn để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.

Về giải pháp thị trường cho mặt hàng sắn, ở góc độ quốc tế, cần các giải pháp giữ vững thị trường tiêu thụ sắn hiện có (Trung Quốc, Hàn Quốc…). Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (EU, Đông Bắc Á…), tháo gỡ rào cản thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sắn Việt Nam được tiêu thụ rộng trên thị trường thế giới.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu