Vĩnh Phúc tạo “bệ phóng” phát triển sản phẩm OCOP tại các huyện miền núi

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 61 sản phẩm được chứng nhận Chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm” (OCOP) đạt hạng 3 sao; trong đó, 17 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Trong các sản phẩm đạt 3, 4 sao ở nhóm sản phẩm khác nhau, có tới hàng chục sản phẩm ở các xã thuộc các huyện miền núi, vùng khó khăn. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Đây được xem như một bước “đột phá” mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời quảng bá văn hóa, con người Vĩnh Phúc.

Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban ngành cùng sự tham gia nhiệt tình của Nhân dân, các sản phẩm OCOP tại các huyện miền núi tỉnh Vĩnh Phúc đang có những khởi sắc và phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có. Đời sống Nhân dân cũng vì vậy được cải thiện, người dân có thêm công ăn việc làm từ chính mảnh đất quê hương của mình qua đó góp phần vào sự phát triển của nông nghiệp địa phương.

Qua nhiều năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP như một “làn gió mới” góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi. Đồng thời, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung. Trong đó, hai huyện miền núi Tam Đảo và Lập Thạch của Vĩnh Phúc là điểm sáng trong phát triển sản phẩm OCOP.

1
Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo chủ động cải tiến chất lượng kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.

Thời gian qua, huyện Tam Đảo có 15 – 20 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, mỗi năm có từ 1 – 3 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng cấp huyện và cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Huyện đã tận dụng được lợi thế từ các sản phẩm đặc trưng như: rau su su, thịt, trứng gà an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng và các loại cây dược liệu quý giá, có giá trị kinh tế cao… để phát triển các sản phẩm OCOP.

UBND huyện đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng bao bì, nhãn hàng hóa sản phẩm, bảo đảm thị hiếu và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm để đăng ký tham gia chương trình; tích cực hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký; thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP…

Được sự ủng hộ từ các cơ quan, chính quyền địa phương, các hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia và không ngừng hoàn thiện, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, đến nay, huyện Tam Đảo có 21 sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn 4 sao và 3 sao như: nấm sò Tam Đảo; trà túi lọc hoa vàng Tam Đảo, tinh bột nghệ; các sản phẩm từ sữa chua Tam Đảo, sữa chua nếp cẩm Tam Đảo, sữa chua uống Tam Đảo…

Thiết kế chưa có tên (1)
Thương hiệu gà đồi Lập Thạch ủ muối A Phớt được phát triển với quy trình sản xuất, đóng gói chuyên nghiệp.

Với huyện Lập Thạch, cũng từ những lợi thế của địa phương, người dân đã tự mình xây dựng nên những thương hiệu sản phẩm được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Điển hình là thương hiệu “A Phớt – Gà đồi Lập Thạch ủ muối” với quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản nghiêm ngặt do anh Ngô Văn Phước, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch xây dựng. Sản phẩm của cơ sở anh Phước được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, với  hơn 5.000 sản phẩm được xuất bán ra thị trường mỗi tháng. Hiện anh Phước đang hoàn tất các thủ tục hồ sơ tham gia Chương trình OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ. Như vậy, đến nay, huyện Lập Thạch đã có 5 sản phẩm OCOP của 4 chủ thể được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

3
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch.

Với mục tiêu, phát triển ít nhất 2 sản phẩm mới năm 2023, huyện đã đẩy mạnh hoạt động thương mại và tạo sự nhận diện cho các sản phẩm này, đồng thời, tập trung vào việc quảng bá sản phẩm và khuyến khích sự tham gia của tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ cho các nhà sản xuất bằng cách cung cấp các lớp đào tạo để nâng cao khả năng quản lý kinh doanh, cải tiến sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu, và hoàn thiện tài liệu tham gia chương trình.

Bên cạnh với những thành quả đặt được, huyện vẫn đang đối diện với một số khó khăn và hạn chế trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương. Số lượng sản phẩm tham gia vẫn còn ít, không tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Các sản phẩm OCOP đã được công nhận vẫn chưa thu hút đủ sự quan tâm từ phía khách hàng. Một số sản phẩm vẫn chưa đạt được chất lượng và thiết kế hấp dẫn, gây thiếu hứng thú cho người tiêu dùng. Lượng tiêu thụ của các sản phẩm vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đủ để thúc đẩy các nhà sản xuất áp dụng các cải tiến khoa học kỹ thuật và đầu tư lại với quy mô lớn.

Để tiếp tục phát triển thành công chương trình OCOP, đặc biệt là tại các khu vực miền núi, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và các địa phương trên địa bàn nói riêng sẽ tập trung tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân và các chủ thể OCOP về tầm quan trọng khi tham gia vào chương trình. Đồng thời, sẽ tiến hành xem xét các sản phẩm tiềm năng và hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đặc biệt, sự hỗ trợ sẽ được tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sử dụng công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ đảm nhận vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các chủ thể cải tiến ý tưởng và sản phẩm, cũng như xây dựng kế hoạch liên quan đến ý tưởng và sản phẩm tại cấp xã.