11 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 8,5 triệu tấn, các chuyên gia cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt kỷ lục với 9 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, riêng tháng 11, Việt Nam xuất khẩu được 700.000 tấn gạo với 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn với 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 59,1%, thị trường Indonesia tăng 20,2%, thị trường Malaysia tăng 2,2 lần.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 5 tỷ USD. Kết quả này có bởi giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, tỷ lệ gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam là 20%, gạo trắng 70%, còn lại là gạo Japonica và nếp.
Từ cuối tháng 10, sau khi Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trở lại thị trường xuất khẩu gạo đã khiến giá gạo trên thị trường châu Á đồng loạt giảm mạnh. Giá gạo 5% tấm Việt Nam cũng giảm nhẹ xuống gần 500 USD/tấn. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 11, giá gạo 5% tấm Việt Nam đã trở lại đạt từ 515 – 520 USD/tấn, duy trì mức cao nhất thế giới.
Không chỉ vậy, mặc dù sự trở lại của Ấn Độ có tác động đến gạo 5%, song gạo chất lượng cao, gạo thơm lại không chịu tác động bởi động thái của quốc gia này. Điều này giúp gạo Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
“Việt Nam đang dần tạo dựng ngành hàng lúa gạo tương đối khác biệt so với các nước. Đồng thời tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Từ đó, hình thành dần mặt bằng thị trường với hàng hóa riêng biệt và tạo ra được giá riêng biệt”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho hay./.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu