Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.
Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong số đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%.
Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 1 sản phẩm so với năm 2023). Đó là, gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỷ USD (tăng 20,3%); rau quả 7,12 tỷ USD (tăng 27,1%); gạo 5,75 tỷ USD (tăng 23% với lượng xuất khẩu là 9,18 triệu tấn, tăng 12,9%); cà phê 5,48 tỷ USD (tăng 29,1% với lượng 1,32 triệu tấn, giảm 18,8%).
Có được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ, cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu. Bộ phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, gia tăng vai trò của Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch.
Cùng với các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật… ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm và tập trung khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng như: thị trường thực phẩm Halal, Trung Đông, châu Phi…
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu. Các đơn vị chức năng tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau.
Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu