Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao sẽ kéo theo áp lực kiểm soát thị trường. Hàng lậu, hàng giả len lỏi dưới nhiều hình thức tinh vi, thách thức cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường.
Càng gần đến Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng càng có dấu hiệu gia tăng. Trước tình hình đó, các cục quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh miền Trung đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, cũng như duy trì sự ổn định của thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Hàng loạt vi phạm, thách thức lớn trong kiểm soát thị trường cuối năm
Tại TP. Đà Nẵng, từ ngày 7/11/2024 đến 21/1/2025 là thời gian cao điểm Cục QLTT Thành phố triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng ra quân triển khai, đơn vị đã kiểm tra 79 trường hợp, qua đó phát hiện, xử phạt 38 trường hợp vi phạm.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, trong gần 2 tháng triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra 40 vụ, xử lý 34 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 8 tỷ đồng.
Các lĩnh vực, nhóm mặt hàng vi phạm bị xử phạt chủ yếu là vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu… với các mặt hàng vi phạm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm, đường cát, bia, rượu, bánh kẹo….
Đối với hàng hoá nhập lậu, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, xử lý 18 vụ, xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 6,2 tỷ đồng.
Riêng đối với mặt hàng đường cát, trong đợt cao điểm, Cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 4 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm hơn 500 triệu đồng, với 18,5 tấn đường cát nhập lậu.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục QLTT TP. Đà Nẵng, để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, Cục QLTT phối hợp chặt chẽ cơ quan, đơn vị trong đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm, đồng thời giám sát việc thực hiện cam kết đã ký đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về thực hiện niêm yết giá, không sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Ông Sơn cho biết, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh được tuyên truyền, nhắc nhở tuân thủ quy định, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, người dân được phổ biến kiến thức nhận diện hàng chính hãng và khuyến khích tham gia tố giác hành vi vi phạm. Những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo dựng một thị trường minh bạch, an toàn hơn trong mùa cao điểm dịp Tết.
Để ứng phó với những thách thức từ sự phát triển của thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trực tuyến, Cục QLTT Đà Nẵng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp công nghệ, như truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua mã QR, kết hợp sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu để theo dõi, phát hiện các bất thường trong giao dịch trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Theo Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa, dịp này, lực lượng QLTT toàn tỉnh sẽ kiểm tra 78 tổ chức, cá nhân kinh doanh theo kế hoạch, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ngoài kiểm tra theo kế hoạch, đơn vị còn tăng cường kiểm tra đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, chú trọng kiểm tra hàng hóa kinh doanh trên môi trường mạng thông qua sàn thương mại điện tử, website, Facebook, Tiktok; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Với tình hình buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp dịp cuối năm, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung tối đa nguồn lực, các đội QLTT trực thuộc bám sát tình hình địa bàn, kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm.
Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát, các đội QLTT sẽ thường xuyên bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần ổn định, lành mạnh thị trường.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu