Thiếu giống – Nỗi lo của bà con nuôi cá Tra xuất khẩu

Trong những tháng vừa qua giá cá Tra nguyên liệu liên tục tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 32.000đ/kg, một số nơi tăng đến 35.000 đồng/kg. Việc giá cá tăng cao, nguồn cá nguyên liệu không đủ cung cấp, do đó diện tích thả nuôi cũng tăng lên dẫn đến nguồn cá giống không đủ cung cấp cho người nuôi.

tieudung24h-catra

Giá cá tra nguyên liệu đang tăng cao, lập kỷ lục mới (Ảnh minh họa)

Chính vì cung không đủ cầu nên vào thời điểm này,  giá cá Tra giống tại ĐBSCL tăng mạnh, cụ thể tăng gấp 2 – 3 lần so với cùng kỳ năm 2017, dao động ở mức từ 70.000 – 80.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này được cho là cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong thời gian này đang vào vụ nuôi mới, người nuôi và các doanh nghiệp phải đi gom cá giống ở nhiều nơi nhưng gần như không có đủ lượng cá giống để mua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một mặt cơ quan chức năng đang siết lại việc ương nuôi cá giống, mặt khác, thời điểm hiện tại nắng nóng nên việc ương cá Tra giống vô cùng khó khăn, tỷ lệ đạt rất thấp, dẫn đến việc giá tăng đột biến.

Trước nhu cầu cá giống tăng cao càng khiến cho người nuôi lo lắng về chất lượng con giống. Các cơ sở SX giống và người nuôi phản ánh tình trạng khan hiếm cá Tra bố mẹ và không đảm bảo chất lượng, dẫn đến quá trình sản xuất ra con giống dễ phát sinh dịch bệnh( xảy ra 2 -3 nhóm bệnh trong một chu kỳ ương), dẫn tới tỷ lệ hao hụt rất trong giai đoạn ương cũng như trong nuôi thương phẩm (giai đoạn bột lên hương chỉ đạt <20%, giai đoạn hương lên giống chỉ đạt <40% và nuôi thương phẩm đạt từ 50-60%), hiệu quả SX thấp. Mặtkhác, một số địa phương đã cảnh báo có thể xảy ra tình trạng người nuôi ào ạt thả nuôi, tái diễn làn sóng đào ao nuôi cá như từng xảy ra trong quá khứ.

ca tra giong

Giá cá tra giống cũng tăng 70.000-80.000 đồng/kg nhưng không đủ bán (Ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ NN- PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát chất lượng, đảm bảo cung ứng đủ giống chất lượng cho vùng nuôi. Các địa phương nắm sát các cơ sở ương giống, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng, đảm bảo cung – cầu giống. Tổng cục Thủy sản phối hợp các địa phương rà soát đàn cá Tra bố mẹ và phân bố để đáp ứng yêu cầu cho các cơ sở SX giống. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II xây dựng quy trình SX, triển khai tổ chức tập huấn kỹ thuật ương nuôi cá tra giống chất lượng cao cho các địa phương, và Cục Thú y tăng cường kiểm tra giám sát dịch bệnh trên địa bàn 10 tỉnh có vùng nuôi. Tiến tới Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ phối hợp với hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp quy hoạch,  xây dựng vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao có điều kiện.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các cơ sở ương giống cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư sản xuất cá giống. Đồng thời sẽ liên kết các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế chọn tạo giống cá Tra chất lượng cao nằm trong mục tiêu chung của chương trình nâng cao chất lượng cá da trơn trong thời gian tới.

Tình trạng thiếu cá Tra nguyên liệu được dự báo sẽ kéo dài đến hết quý I/2018. Thị trường xuất khẩu vẫn đang mở rộng, đặc biệt lưu ý thị trường Trung Quốc đang là trị trường số 1 tiêu thụ cá tra Việt Nam nhưng cần có chiến lược dài hạn, nâng cao chất lượng phát triển thị trường chính ngạch và kiểm soát chặt lượng hàng qua biên mậu. Tại thị trường Mỹ, mặc dù bị áp thuế chống bán phá giá (POR 13) với cá tra Việt Nam cao gấp 3 lần so với trước đây,  nhưng hiện đã có những dấu hiệu tích cực từ thị trường này. Thị trường EU đang phục hồi nhẹ. Các giải pháp để xuất khẩu cá tra sắp tới cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản tại thị trường Mỹ; thực thi chương trình cải thiện hình ảnh và chất lượng cá tra tại thị trường EU và xem xét quỹ thị trường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Với những tín hiệu về giá và thị trường đang rất tốt, tuy nhiên, khuyến cáo bà con không nên mở rộng sản xuất khi không đủ nguồn cá giống và tuân thủ quy hoạch của địa phương, nên ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp trước khi thả nuôi để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Sao Mai (Tổng hợp)