Thu nhập cao nhờ trồng na Thái

Trước đây, 4ha đất của gia đình ông Phan Băn Bịt ở khu vực Long Ðịnh, phường Long Hưng, quận Ô Môn trồng sa pô chê, bưởi, lúa nhưng giá cả bấp bênh, thu nhập không cao. Năm 2015, ông Bịt phá bỏ những cây sa pô chê, bưởi và lên vườn để trồng na Thái. Nhờ chuyển dịch cây trồng đúng hướng, ông Bịt có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Vườn na Thái của ông Bịt phát triển xanh tốt, năng suất khá cao.

Vườn na Thái của ông Bịt phát triển xanh tốt, năng suất khá cao.

Biết được giống na Thái có ưu điểm dễ trồng, mỗi trái nặng từ 0,7kg-1kg, giá bán ra thị trường từ 50.000-70.000 đồng/kg, ông Bịt quyết định thử sức với giống cây trồng này. Ban đầu, ông trồng na thái xen với bưởi da xanh. Sau hơn 3 năm chăm sóc, na Thái và bưởi da xanh đều phát triển tốt và cho trái. Thấy na Thái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên ông Bịt đốn bỏ bưởi da xanh để trồng chuyên canh na Thái. Ông Bịt cho biết: “Hiện tại, tôi có 1,7ha na Thái đang trong giai đoạn cho trái và hơn 2ha đang trồng. Tháng 11-2020 âm lịch, tôi thu hoạch được 14 tấn trái từ 1,7ha na Thái, bán với giá 55.000-60.000 đồng/kg. Gia đình tôi thu nhập được trên 600 triệu đồng”.

Tham quan vườn na Thái của ông Bịt, nhiều người không khỏi trầm trồ trước những cây na xanh tốt được trồng thẳng tắp trên những khu bờ, tàng lá phủ rợp cả khu vườn. Theo ông Bịt, trước khi trồng na Thái, ông tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, đồng thời tham quan học tập kinh nghiệm của những người trồng na Thái ở Tiền Giang, Bến Tre. Ðến nay, ông Bịt đã cơ bản nắm được quy trình chăm sóc và xử lý na Thái ra hoa theo ý muốn. Theo ông Bịt, na Thái dễ trồng, nhưng đòi hỏi phải chăm sóc đúng quy trình, cây mới mang lại hiệu quả. Giai đoạn na Thái ra đọt non rất dễ bị bệnh và côn trùng tấn công nên phải phun thuốc trừ sâu bảo vệ. Song song đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt sẽ kháng được sâu, bệnh. Trung bình mỗi năm na cho trái 2 vụ. Từ khi xử lý ra hoa đến thu hoạch là 5 tháng. Khi cây ra hoa, phải tiến hành thụ phấn. Ðến khi trái na to bằng cổ tay là tiến hành bao trái để hạn chế ruồi vàng đục trái…Ông Bịt cũng chú ý xử lý cho cây mang lượng trái thích hợp, để đưa ra thị trường những trái na to, màu sắc đẹp, bán được giá cao… Không chỉ làm giàu từ cây na Thái, những năm gần đây, ông Bịt còn hướng dẫn nhiều nhà vườn ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Long An… về kỹ thuật trồng và chăm sóc na Thái, giới thiệu thương lái đến thu mua nên đầu ra của loại trái cây này rất ổn định.

Anh Võ Phú Luật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) phường Long Hưng, cho biết: “Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, mô hình trồng na Thái của ông Bịt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. HND quận và phường chọn mô hình trồng na Thái của ông Bịt để tổ chức cho hội viên tham quan và học tập, trao đổi kinh nghiệm. Sắp tới, HND phường tiếp tục phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng na Thái cho hội viên nông dân trên địa bàn phường để nhân rộng mô hình”.