Tiền Giang-Bến Tre ứng phó với hạn mặn như thế nào

Hiện nay, chuẩn bị bước vào mùa mưa, độ mặn trên hệ thống sông, rạch ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre giảm dần. Song nguồn nước ngọt tại nhiều khu vực vẫn còn khá dồi dào, chưa có thiệt hại về sản xuất, nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cơ bản đảm bảo.

Có thể nói, công tác ứng phó với hạn mặn mùa khô năm nay ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã đạt yêu cầu đề ra. Trong đó, công tác chủ động, hợp tác giữa chính quyền và người dân là yếu tố quan trọng dẫn đến hiệu quả phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Đến thời điểm này, hơn 23.000 ha lúa Đông Xuân ở khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang đã thu hoạch xong, không bị thiệt hại do khô hạn; gần 80.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản đều có đủ nguồn nước ngọt và cho trái bình thường. Hầu hết các hộ dân ở vùng cù lao, vùng ven biển đều cơ bản đủ nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Thành công trong công tác ứng phó với hạn mặn phải ghi nhận nỗ lực của các đơn vị chức năng địa phương Tiền Giang đã chủ động bơm trữ nước từ sông Tiền vào kênh mương nội đồng từ trước tết để cung ứng cho toàn vùng ngọt hóa Gò Công. Nhờ vậy, dù lúa Đông Xuân khu vực này đã chín nhưng nguồn nước ngọt vẫn còn nhiều, phải tháo xổ ra bớt. Khi nước mặn dâng cao, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang  đã tích cực lấy gạn (tức là lấy nước tại thời điểm ngọt) tại cống Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo cấp bổ vào kênh thủy lợi hơn 3,6 triệu mét khối nước.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết thêm: “Rút kinh nghiệm từ năm vừa qua, chúng tôi lấy nước gạn khoảng 2 tháng, mỗi con nước là 600.000 mét khối. Thành công phòng chống hạn mặn là do phía công ty chủ động từ sau có kế hoạch của tỉnh. Thành công của dự án “ngọt hóa” Gò Công là nhờ việc lấy nước từ 1-12/2020, sau đó là trữ trước nguồn cung dư. Đến thời điểm này không còn sợ hạn mặn nữa”.

Để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho hơn một triệu dân tỉnh Tiền Giang và Long An, tỉnh Tiền Giang còn chủ động đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây 08 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt tại các kênh, rạch ở huyện Châu Thành, Cai Lậy để đưa nước ngọt từ thượng nguồn về; nhà máy BOO Đồng Tâm, công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang  tăng cường công suất xử lý nước sạch bơm phục vụ khách hàng; mở gần 50 vòi nước công cộng tại các vùng ven biển, hẻo lánh, cung cấp miễn phí cho người dân. Nhờ vậy, Tiền Giang đến thời điểm này chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn mặn mùa khô.

Tại tỉnh Bến Tre điều kiện khó khăn hơn, nước mặn xâm nhập sâu. Nước mặn 1 phần nghìn đã ảnh hưởng đến hơn 90% xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do sự chủ động theo tinh thần “thuận thiên” nên đã giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Đến thời điểm này, hầu hết vườn cây ăn trái, hoa kiểng, cây giống trên địa bàn tỉnh chưa bị thiệt hại do thiếu nước ngọt. Nước sinh hoạt ở một số khu vực của huyện Giồng Trôm, Bình Đại có khan hiếm, nhưng các đơn vị khai thác nước cũng kịp thời chở nước ngọt từ nơi khác về để cung cấp cho người dân.

Để hạn chế sự ảnh hưởng của thiên tai, tỉnh Bến Tre tăng cường công tác thủy lợi, hoàn thiện hệ thống cống đập ngăn mặn ven sông. Đến nay, dự án thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã đưa vào  sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp. Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến tre tận dụng nguồn thép cũ từ đập Ba Lai năm ngoái, tổ chức thi công đập tạm ngăn mặn tại xã Thành Triệu, huyện Châu Thành tạo nguồn nước dự trữ khá lớn phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên diện  rộng.

Gần 100% hộ dân các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại đều có đầu tư lu, hồ, bễ chứa nước mưa đủ uống đến đầu mùa mưa. Hầu hết, nhà vườn ở huyện chợ Lách đều có đào ao, mương, mua túi nhựa để trữ nước ngọt phục vụ phun tưới cho cây trồng trong 2 tháng cao điểm  khô hạn.

Huyện Giồng Trôm là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn mặn ở tỉnh Bến Tre do địa bàn chưa khép kín hệ thống cống đập ven sông Hàm Luông. Tuy nhiên, nhờ sự hợp tác trong công tác ứng phó với hạn mặn của chính quyền và người dân địa phương nên thiệt hại gây ra không đáng kể.

Ông Lê Văn Nhân, Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm chia sẻ: “Về vấn đề hạn mặn, vừa qua huyện cũng có nhiều giải pháp, tuyên truyền, vận động bà con trong ứng phó với hạn mặn. Đến thời điểm này, nước phục vụ ăn uống cho bà con cũng đảm bảo, còn đối với sản xuất thì các vườn cây ăn trái trồng xen  mình cũng dùng nhiều biện pháp, ví dụ như biện pháp kỹ thuật là tủ gốc,  hay đê bao ngăn lại… thành ra thiệt hại do hạn mặn năm nay  rất hạn chế so với năm rồi”.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình ứng phó với hạn mặn năm nay, tại tỉnh Tiền Giang- Bến Tre còn một số mặt tồn tại cần khắc phục như sớm giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước phía trong các cống đập ngăn mặn, hàng nghìn hộ dân  gieo sạ lúa trễ không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp dẫn đến năng suất thấp, một số cống đập đã xuống cấp rò rỉ nước mặn vào, nhiều trường hợp tự ý khoan giếng trái phép.

Tại tỉnh Bến Tre  doanh nghiệp nâng giá nước sinh hoạt quá cao gây bức xúc trong nhân dân … Đây là những tồn tại tuy nhỏ nhưng cần rút kinh nghiệm để công tác ứng phó với hạn mặn đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.