Một “gia đình ruồi giấm” đang phát triển mạnh mẽ trên trạm vũ trụ của Trung Quốc, có tiềm năng sản sinh đến thế hệ thứ 3.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, với sự ra mắt thành công của tên lửa đẩy Trường Chinh-7 Y9, Trung Quốc lần đầu tiên đưa ruồi giấm lên trạm vũ trụ để tiến hành thí nghiệm khoa học.
Theo hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc), ruồi giấm là một trong những loài sinh vật mẫu thường được sử dụng cho thí nghiệm di truyền. Nhà nghiên cứu Zhang Wei tại Trung tâm Công nghệ và Kỹ thuật ứng dụng Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đánh giá, ruồi giấm có kích thước nhỏ, chỉ dài từ 3 đến 4 mm, vòng đời ngắn, khả năng sinh sản nhanh, giúp chúng tạo ra số lượng lớn con cái trong thời gian ngắn.
Ông Zhang Wei phân tích: “Gien của ruồi giấm có nhiều điểm tương đồng với con người, vì vậy nghiên cứu này giúp hiểu hơn về các bệnh di truyền ở người và cung cấp thông tin chi tiết về cách con người thích nghi với môi trường không gian”.
Trên trạm vũ trụ, ruồi giấm được chia thành hai nhóm. Một nhóm sống trong môi trường vi trọng lực, trong khi nhóm còn lại đặt trong thiết bị chắn từ, đồng thời chịu tác động kết hợp của vi trọng lực và trường từ suy yếu.
Ở môi trường vi trọng lực, chỉ cần vỗ cánh đơn giản, chúng sẽ lao về phía trước như những viên đạn. Khi ngừng vỗ cánh, chúng trôi dạt không kiểm soát, cố gắng đá chân để đổi hướng. May mắn thay, những sinh vật nhỏ bé này đã nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc do Giáo sư Li Yan đứng đầu đã nói đùa rằng những chuyên gia bay trên cạn này đã học được cách “bơi như ếch” trong không gian.
Một đoạn video gửi từ không gian vào ngày 19/11 cho thấy cảnh con ruồi giấm nhỏ bé chui ra khỏi kén và tò mò quan sát môi trường xung quanh. Nhóm nghiên cứu trìu mến gọi nó là “con ruồi giấm đầu tiên được sinh ra trong vũ trụ”, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc giúp ruồi giấm sinh sản thành công trên vũ trụ.
Trên Trái Đất, ruồi giấm có thể sinh sản một thế hệ mới trong vòng 12 đến 15 ngày. Với thời gian thử nghiệm dự kiến trên quỹ đạo là 36 ngày, chúng có khả năng trở thành loài đầu tiên đạt mốc “ba thế hệ dưới một mái nhà” trên trạm vũ trụ của Trung Quốc.
Sau khi ruồi giấm trở về Trái Đất, nhóm của Giáo sư Li Yan sẽ tiếp tục phân tích hành vi và gien của chúng. Mục tiêu là khám phá tác động của vi trọng lực và trường từ suy yếu lên hành vi của động vật, các cơ chế thần kinh và phân tử cơ bản.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu