Ở khu vực Đông Nam Bộ, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được ví như những “lá phổi xanh” quý giá. Các khu dự trữ sinh quyển này có hệ động, thực vật vô cùng đa dạng và độc đáo, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tài sản quý
Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km, được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – sông Sài Gòn với tổng diện tích khoảng trên 70.400 ha gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Đây là nơi sở hữu trên 300 loài thực vật bậc cao; hệ động vật với trên 640 loài gồm côn trùng, cá, lưỡng cư, bò sát, chim, thú. Ngoài ra, tại đây còn có các sinh vật phù du với nhiều loài động vật nổi và thực vật nổi.
Không chỉ có những đặc trưng về hệ sinh thái, Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Nghinh Ông Cần Giờ, di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Căn cứ Rừng Sác, di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ…
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ (đơn vị quản lý trực tiếp vùng lõi và vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ), rừng ngập mặn Cần Giờ được biết đến là hệ sinh thái rừng trồng phục hồi sau khi bị chất độc hóa học hủy diệt gần như toàn bộ trong thời gian chiến tranh, được giới chuyên môn đánh giá là hệ sinh thái có đa dạng sinh học cao, phong phú cả về số lượng và chủng loại, là rừng ngập mặn đẹp nhất Đông Nam Á.
Cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận như Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai có tổng diện tích 756.000 ha, nằm trên địa bàn 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông. Khu Dự trữ sinh quyển này có hai vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai và hai hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, hệ sinh thái nước nội địa (nước ngọt).
Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đánh giá, các hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển này đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, đảm bảo chức năng điều hòa nước vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô, khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho một vùng rộng lớn miền Đông Nam Bộ. Đây còn là là nơi hội tụ nhiều nét giao thoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống.
Chiến lược phát triển du lịch xanh
Đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch, dịch vụ theo định hướng xanh, thân thiện môi trường, gìn giữ gắn khai thác hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, tạo sinh kế cho cộng đồng là giải pháp để ngành kinh tế du lịch phát triển mang tính cạnh tranh cao, bền vững. Do đó, các khu dự trữ sinh quyển – nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm đóng vai trò quan trọng trong cụ thể hóa các nội dung về phát triển du lịch xanh.
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu gồm chuyên gia Vũ Thục Hiền (Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam), Nguyễn Hoàng Hảo (Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai) cùng các cộng sự, với nhiều ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, khí hậu và văn hóa, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh gắn bảo tồn đa dạng sinh học. Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đang khai thác khoảng 40 tuyến, điểm du lịch tại hai vùng lõi khu dự trữ sinh quyển là Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tổn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai.
Các loại hình và sản phẩm du lịch được khai thác đều được định hướng, chọn lọc theo hướng giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến hệ sinh thái rừng tự nhiên và công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, các loại hình, sản phẩm du lịch đang được khai thác hiệu quả trong Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai như du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa, tham quan di tích; du lịch sinh thái gắn các chương trình tham quan các tuyến diễn giải về đa dạng sinh học rừng; du lịch “phượt” và tham quan du lịch, vui chơi giải trí trên hồ Trị An; du lịch xem thú đêm, khám phá Bàu Sấu; cắm trại trong rừng, trên các đảo hồ Trị An kết hợp du lịch ẩm thực; du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng; du lịch khám phá, mạo hiểm; du lịch tham quan, ngắm cảnh đảo Ó – Đồng Trường, đảo Xanh, đảo Đá…
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai cho biết, nhằm tiếp tục bảo tồn tài nguyên gắn khai thác, phát triển bền vững, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021- 2030.
Theo đó, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (một trong hai vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai) tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với tài nguyên rừng; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch thể thao và khám phá; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp… Đơn vị chức năng cũng quy hoạch 51 điểm để tổ chức các hoạt động du lịch có khả năng liên kết theo tuyến, chủ đề, tiếp cận theo sản phẩm du lịch và các hệ sinh thái đặc thù.
Song song đó, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học như xây dựng và phổ biến các nội dung, quy chế quản lý, bảo vệ rừng; xác định ranh giới các điểm du lịch sinh thái cho thuê môi trường rừng trên bản đồ và ngoài thực địa bằng hệ thống biển báo. Ngoài ra, tiến hành trồng mới, trồng bổ sung vào các diện tích rừng có mật độ thấp, khoanh nuôi tái sinh rừng đối với các khu vực rừng tự nhiên nghèo để phục hồi và nâng cao chất lượng rừng.
Cùng liên quan đến bảo tồn gắn phát triển bền vững tại khu dự trữ sinh quyển, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 với mục tiêu phát triển Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ – khu dự trữ sinh quyển thế giới để địa phương trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Hiện nay một trong những điểm du lịch sinh thái tại Cần Giờ đang được nhiều du khách lựa chọn là điểm du lịch sinh thái Dần Xây, nằm giữa lòng rừng ngập mặn, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ trực tiếp quản lý, khai thác hoạt động du lịch. Điểm du lịch sinh thái này có các lợi thế như cảnh quan thiên nhiên đẹp, giao thông thuận lợi, nằm ngay cạnh đường Rừng Sác- tuyến giao thông chính của huyện Cần Giờ.
Sản phẩm du lịch chính thu hút phần lớn du khách đến điểm du lịch sinh thái Dần Xây là các hoạt động tham quan, nghiên cứu rừng ngập mặn, kết hợp với truyền thông, giáo dục bảo vệ môi trường, tìm hiểu đời sống người dân giữ rừng và trải nghiệm các hoạt động sản xuất dưới tán rừng, thưởng thức đặc sản ẩm thực… Mỗi năm, điểm du lịch sinh thái Dần Xây thu hút khoảng 13.000 – 16.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu