Cà phê ở Tây Nguyên chuẩn bị bước vào thu hoạch. Thị trường cà phê có tính biến động cao, giá cả thường xuyên thay đổi, điều này đã gây ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê.
Trước tình hình đó, ngày 4/11, tại TP. Pleiku, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest, cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo về Phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa.
Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Gia Lai, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)…
Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil), đóng góp quan trọng vào nguồn cung cà phê toàn cầu. Vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai là một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất cà phê của cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với kim ngạch thu về gần 2,4 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.
Tỉnh Gia Lai, diện tích trồng cà phê của toàn tỉnh năm 2023 đạt gần 99.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê đạt hơn 267.000 tấn. Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản hàng hóa, năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh Gia Lai đạt 490 triệu USD.
Sản xuất cà phê đã làm thay đổi đời sống của người dân, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích, duy trì ổn định khoảng 98.000 – 100.000 ha cà phê. Bên cạnh đó, phát triển cà phê không lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến đất rừng.
Đặc biệt, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình là cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L’amant Café… đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Tuy nhiên, thị trường cà phê cũng là một thị trường có tính biến động cao, với giá cà phê thường xuyên thay đổi. Điều này đã gây ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê, bao gồm nông dân, nhà thu mua, nhà chế biến, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ. Vì lý do, suy giảm diện tích đất trồng cà phê do chuyển đổi mục đích sử dụng đất; suy thoái chất lượng đất do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan; biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất cà phê; giá cà phê trên thị trường thế giới biến động thất thường.
Biến động giá cà phê là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê. Giá cà phê có thể biến động mạnh trong thời gian ngắn, gây ra những rủi ro đáng kể cho doanh nghiệp, như: lỗ vốn do mua cà phê với giá cao khi giá cà phê giảm xuống; mất cơ hội kinh doanh do giá cà phê quá cao; khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư…
Sở Công Thương tỉnh Gia Lai và Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest, cùng các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo này với mục tiêu: cung cấp cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê những thông tin và kiến thức mới nhất về thị trường cà phê Việt Nam và tỉnh Gia Lai; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phòng ngừa rủi ro giá cà phê, thúc đẩy ứng dụng giao dịch hàng hóa phái sinh trong quản trị rủi ro giá cà phê; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê về tầm quan trọng của giao dịch hàng hóa phái sinh trong quản trị rủi ro giá cà phê; các điều kiện cần thiết để thành lập sàn giao dịch cà phê tại tỉnh Gia Lai..
Hội thảo là một diễn đàn quan trọng để các đại biểu thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về giao dịch hàng hóa, đặc biệt là hợp đồng tương lai cà phê. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê tìm hiểu về các công cụ quản trị rủi ro bảo hiểm giá cà phê, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu