Do nhu cầu tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe của con người vừa bảo vệ môi trường, Hà Nội đang hướng tới phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Hà Nội đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thủ đô Hà Nội cần có một vựa rau trù phú cả 4 mùa để phục vụ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch cho hàng triệu người tiêu dùng. Rau hữu cơ mặc dù có giá thành cao hơn, nhưng mang lại lợi ích sức khoẻ nên được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Sử dụng rau hữu cơ sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm về tim mạch, ung thư hay huyết áp. Vì trong các loại rau sạch này chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, giàu vitamin hơn bất kỳ loại rau thông thường nào.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn); rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); mô hình rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên sản xuất rau hữu cơ tại phường Cự Khối (quận Long Biên)…
Đến nay, sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhiều mô hình trồng rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập khá cho nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sống.
Bà Trương Kim Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc, huyện Thạch Thất (Hà Nội), cho biết, để trồng rau hữu cơ, bà Hoa đã cho cải tạo khu đồi dốc thành các nấc ruộng bậc thang, đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động giăng mắc khắp các triền đồi. Rau được trồng tại trang lại là các loại rau rừng và rau bản địa như: ngót rừng (rau sắng), bò khai (dạ hến), rau mỏ, sau sau, dền chua, dền đỏ, rau dớn, măng rừng, sung nếp, hoa và củ chuối rừng…
Thêm vào đó trang trại còn có các loại rau ăn quen thuộc hàng ngày như rau muống, rau cải các loại, lang ngọt, mướp hương, su su, ngọn bí, rau dền, rau ngót, các loại rau thơm (húng quế, mùi tàu, kinh giới, tía tô,…). Tổng cộng tại đây trồng xấp xỉ 100 loại rau củ quả hữu cơ. Ngoài ra, trang trại còn phát triển trồng thêm các loại rau thảo dược như: bồ công anh, dạ cổ lam, đinh lăng, kim ngân hoa… Điểm nổi bật của mô hình trồng rau hữu cơ là trồng xen canh các tầng, các lớp và luân canh liên tục. Vì thế rau ở trang trại được thu hoạch quanh năm, đủ sức cung cấp cho hầu hết tất cả các tỉnh phía Bắc.
Hay tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) có mô hình Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý do bà Đặng Thị Cuối làm giám đốc, cũng rất thành công, không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn được nhân rộng cho nhiều địa phương khác.
Đến thời điểm hiện tại, hợp tác xã đã chuyển giao công nghệ cho 27 nông trại ở miền Bắc, riêng trong Nam mới làm được nông trại. Không chỉ được biết tới ở Việt Nam, bà Cuối còn nhận được nhiều lời mời chuyển giao công nghệ từ lãnh đạo các nước như Canada, Bangladesh, Lào. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, bà Cuối còn được đích thân Chủ tịch nước Lào đến tận trang trại rau mời sang làm kỹ thuật nông nghiệp với vốn đầu tư lên đến 40 tỷ đồng.
Hiện nay, trang trại rau sạch Cuối Quý có tổng cộng 80 nhà màng với hơn 30 loại rau củ quả, một nhà màng sản xuất trên 10 lứa/năm. Ngoài các loại như rau mồng tơi, bí, su su, rau má, cà tím, mướp, các loại rau thơm, măng tây xanh, súp lơ lấy ngồng, ngô lấy quả non và ngọn … bà Cuối còn trồng thêm các loại cây ăn quả đu đủ, bưởi, ổi, nho. Hàng kỳ trang trại rau bà Cuối được kiểm định chất lượng và đều đạt kết quả rau hữu cơ được đảm bảo hàm lượng hóa chất và vi sinh gây hại trong đất và nước ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép.
Toàn thành phố có nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích tiêu thụ rau hữu cơ như: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, Bác Tôm; siêu thị Unimart, Winmart… Trong khi các loại rau an toàn đều khó khăn về đầu ra thì rau hữu cơ tiêu thụ ổn định với giá bán buôn tương đối cao (15.000 – 20.000 đồng/kg).
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, các mô hình sản xuất rau hữu cơ đạt chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, được thị trường ưa chuộng nên tiêu thụ khá ổn định.
Tuy nhiên, để sản xuất rau hữu cơ chủ các trang trại cần nâng cao kiến thức trong sản xuất; tăng cường ứng dụng chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nông nghiệp, sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả vào sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có quy hoạch, dành quỹ đất đủ lớn ở những nơi đủ điều kiện (đất, nước, không khí) để sản xuất rau hữu cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng rau hữu cơ nói riêng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/8/2022 về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, diện tích rau hữu cơ toàn thành phố đạt 515 ha; trong đó diện tích được chứng nhận đạt 138 ha, diện tích canh tác chuyển đổi hữu cơ đạt 377 ha. Đồng thời, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị.
Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu