Các làng hoa trên mọi miền tổ quốc tất bật vào vụ Tết

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, người trồng hoa trên mọi miền tổ quốc đang tất bật chăm sóc vụ hoa cuối của năm để chuẩn bị thu hoạch đưa ra thị trường ngày Tết.

Làng hoa Mê Linh – Hà Nội

1
Làng hoa Mê Linh đang tất bật chuẩn bị cho mùa thu hoạch lớn nhất trong năm.

Làng hoa Mê Linh ở ngoại thành Hà Nội đang tất bật chuẩn bị cho mùa thu hoạch lớn nhất trong năm. Dọc theo quốc lộ 23 từ xã Mê Linh đến xã Đại Thịnh, không khí vào mùa vụ Tết đã rộn ràng. Các nhà vườn hối hả đưa những chậu lan, hoa hồng, cúc mâm xôi, hoa ly… ra điểm tập kết chuẩn bị chở đi bán trên khắp các tỉnh, thành phố. Năm nay, người dân Mê Linh kỳ vọng có vụ hoa Tết bội thu.

Theo kinh nghiệm của những người dân trồng hoa, mỗi vụ hoa Tết từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch thường kéo dài 90 – 120 ngày, tùy giống hoa. Với kinh nghiệm trồng hoa Tết lâu năm, các hộ biết lựa chọn những cây giống khỏe mạnh; kỹ thuật làm đất, bón phân; từ lúc gieo đến khoảng 20 ngày phải thắp điện hàng đêm trong khu vực trồng để cây có đủ độ ấm sinh trưởng; nước được tưới thường xuyên giữ độ ấm. Ánh sáng đèn điện ngoài thắp sáng, còn cung cấp thêm năng lượng giúp hoa tăng khả năng quang hợp sinh trưởng, nhất là khi mưa rét kéo dài, giúp hoa nở đúng thời điểm.

Mỗi dịp Tết, nhu cầu chơi hoa của người dân luôn tăng cao. Vì vậy, để bảo đảm cung ứng phục vụ người dân, hiện nay các nhà vườn đều đã vào giai đoạn cuối cùng, chỉnh sửa cho hoa vào độ đẹp nhất đúng Tết. Người dân ở các làng hoa của huyện Mê Linh tất bật từ sáng đến đêm, tập trung chăm sóc, cắt tỉa cho những cây hoa.

Trên các cánh đồng trồng hoa của tại Mê Linh, người dân đang khẩn trương chăm sóc, bọc từng bông hoa trong giấy báo để đảm bảo hoa nở đẹp, đúng thời điểm như mong muốn.

Vùng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) được biết đến là một vùng ngoại ô có diện tích trồng hoa lớn. Nơi đây trồng chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc, thược dược, cẩm chướng, lay ơn, thạch thảo… Vài năm trở lại đây, theo xu thế của thị trường, người trồng hoa Mê Linh đã trồng thí điểm nhiều giống hoa hồng mới như: hoa hồng Pháp, hoa hồng Hà Lan, hoa hồng Thái Lan…

Làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ (TP Cần Thơ)

2
Dọc theo tuyến đường vào làng hoa, người dân đang tất bật chăm sóc, sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2024.

Làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ (quận Bình Thủy) là làng hoa nổi tiếng ở TP Cần Thơ có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm. Đây là nơi cung ứng hoa kiểng cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; hiện số lượng trồng hoa dịp Tết tại làng hoa trăm tuổi này khoảng 500 hộ.

Năm nay, làng nghề hoa kiểng Phó Thọ – Bà Bộ có khoảng 187.800 giỏ hoa các loại và khoảng 500 chậu kiểng, bonsai; một số giống hoa mới được người tiêu dùng yêu thích như: phi yến, kim cúc, cúc Hàn Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, nông dân trồng hoa kiểng đã tiến hành chuẩn bị đăng kí lô sạp, thương lái đến tận vườn thu mua trên 40%, số còn lại khoảng 20% nông dân bán tại ruộng (bán tại ruộng giá cao hơn 10.000-20.000 đồng/ giỏ so với bán cho thương lái) và tiếp tục bán cho thương lái hoặc đem ra lô sạp.

Ông Trần Văn Sê có thâm niên trên 20 năm làm nghề trồng hoa kiểng tại Làng hoa Bà Bộ. Trong những năm gần đây, ông nổi tiếng trong vùng vì đã áp dụng kỹ thuật xông đèn cho cúc Đài Loan để những hoa cúc trở nên to dày, thân cao hơn. Người dân ví von đây là cúc chân dài.

Ông Sê cho biết, nhận thấy năm nay kinh tế khó khăn nên ông đã giảm số lượng gieo trồng so năm rồi. Cụ thể, ông cho xuống giống gần 2.500 giỏ hoa với hơn 10 loại hoa; chủ yếu là cúc Đài Loan, cúc mâm xôi và cát tường…; trong đó, có 150 chậu cúc chân dài, 250 chậu cúc mâm xôi tím – các loại hoa được khách hàng ưa chuộng.

Làng hoa xã Mỹ Tân – Nam Định

3
Những lứa hoa được các chủ vườn “bấm cữ” sẽ bung nở đúng dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

Những ngày này, người dân xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) nơi được xem là vựa hoa của tỉnh Nam Định, đang tích cực chăm sóc hoa cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh dịp Tết.

Trên đường đê của xã, thương lái khắp nơi tìm về đây để mua hoa mang đi các chợ đầu mối và đặt hoa dịp Tết.

Ông Đặng Văn Phương ở thôn Hồng Hà 1 cho biết vụ hoa Tết năm nay ông chuẩn bị 1.000 chậu cúc các loại như cúc màu, cúc đại đóa, cúc gấm Hàn Quốc… với các cỡ chậu khác nhau đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Bình thường, mỗi bông cúc bán tại vườn có giá 1.000-2.000 đồng, nhưng khi trồng cúc vào chậu giá thành cao hơn gấp nhiều lần. Vụ Tết năm ngoái, với các chậu to, gia đình ông bán tại vườn giá 800.000 đồng/chậu, chậu trung bình là 500.000 đồng/chậu, các chậu nhỏ và vừa giá 100.000-200.000 đồng/chậu. Với giá cao, thị trường ưu chuộng, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng.

Ông Trần Trọng Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân, cho hay trồng hoa vốn là nghề truyền thống của xã Mỹ Tân. Trước đây, nghề trồng hoa tập trung ở làng Hồng Hà với khoảng 90ha. Đến nay, trồng hoa được xem là nghề chính của xã Mỹ Tân với khoảng 310ha, chủ yếu là cúc, layơn, hoa ly…

Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đưa các giống hoa mới cho thu nhập cao như phi yến, cát tường vào trồng… Giá trị bình quân ước đạt 720 triệu đồng/ha trồng hoa.

Làng hoa Dương Sơn – Đà Nẵng

4
Những nhà vườn tại làng hoa Dương Sơn (TP Đà Nẵng) đang tất bật chăm sóc hoa để kịp phục vụ cho thị trường.

Giáp Tết, làng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đang tất bật vào vụ thu hoạch Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bà Nguyễn Thị Xuân là 1 hộ trồng hoa lâu năm. Lo sức mua yếu do kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn, nên gia đình bà chỉ trồng 1 nghìn chậu cúc – giảm từ 200 đến 500 chậu so với trước đây.

Làng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu là vùng trồng hoa lớn nhất của TP Đà Nẵng, có diện tích khoảng 4,5ha. Trong đó có 3ha vùng hoa cúc và 1,5ha vùng hoa công nghệ.

Vụ tết năm nay, bên cạnh nỗi lo về đầu ra thì tình hình thời tiết thất thường, chi phí sản xuất như giá vật tư, cây giống tăng, trong khi giá hoa lại không tăng khiến người trồng hoa gặp khó khăn. .

Để khuyến khích, tạo điều kiện cho người trồng hoa, Sở NN&PTNN Đà Nẵng đã hỗ trợ các mô hình cây trồng khoảng 50% giống, 50% phân bón. Về đầu ra, Đà Nẵng có kế hoạch tạo chuỗi cung ứng liên kết giữa người trồng hoa và doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ tiêu thụ.