Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn là “bài toán khó”

Là nước có không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới nhưng hằng năm Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn là
Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn là “bài toán khó”.

Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, gần 50% số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, hàng năm Việt Nam đã và đang sản xuất ra một khối lượng nông sản rất lớn; song có một nghịch lý đã và đang tồn tại, đó là nước ta lại là một trong những nước phải nhập rất nhiều nguyên liệu nông sản cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi và cả thức ăn cho gia súc, gia cầm chưa qua chế biến.

Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 4,85 triệu tấn, tăng 6,4% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2023. Một số nguyên liệu nhập khẩu chính là ngô hạt (2,4 triệu tấn), khô dầu các loại (960 nghìn tấn), lúa mì (618 nghìn tấn), chưng cất khô hạt với Solubles (201 nghìn tấn), cám các loại (133 nghìn tấn), thức ăn bổ sung (121 nghìn tấn).

Lí giải vì sao Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng mỗi năm vẫn phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết nguyên nhân chủ yếu do năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước còn hạn chế, giá thành cao, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung

Lãnh đạo Cục chăn nuôi giải thích thêm hiện chúng ta chưa thể khắc phục được nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi vì giá thành sản xuất cho nông nghiệp thấp, sức cạnh tranh kém, trong khi người dân chỉ sản xuất những sản phẩm có giá trị và thế mạnh.

Chẳng hạn trước đây ở Sơn La trồng nhiều ngô nhưng hiện nay đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Cục trồng trọt và các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp sẽ từng bước quy hoạch vùng canh tác ở Tây Nguyên để tăng diện tích cây nông nghiệp phục vụ cho đầu vào của sản xuất thức ăn gia súc”, ông Thắng nói.

Trước mắt chúng ta chỉ có thể giảm bớt phụ thuộc thức ăn chăn nuôi từ nguồn nhập khẩu, còn việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn là bài toán khá là khó, ông Thắng khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Dương Tất Thắng, trong 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi mỗi năm. Đàn gia cầm đứng Top đầu thế giới, trong đó thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.

Chăn nuôi không những góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng cho hơn 100 triệu dân trong nước và cung cấp nguồn thực phẩm cho hàng triệu khách du lịch quốc tế mà còn tạo sinh kế cho hơn 10 triệu lao động khu vực nông thôn.

Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Ngày càng có nhiều sản phẩm chăn nuôi được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến… trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu mật ong lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.

Ông Thắng cho biết trong các tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành 5 Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi. Ngay trong ngày đầu tháng 8/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với đó, nguồn tư liệu bổ sung rất lớn cho sản xuất chăn nuôi là 9 nội dung về đất dành cho chăn nuôi đã được đưa vào Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024).

Ông Thắng khẳng định: “Như vậy, đến thời điểm này, ngành Chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế. Chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng”.

Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn là
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Thực trạng trên cho thấy, nếu Việt Nam chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi sẽ khiến ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững; đồng thời, sẽ giúp cho nền kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ, quan trọng nhất là không phải phụ thuộc vào nguồn nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần phải có chiến lược dài hơi…

Trong một hội nghị chăn nuôi, Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhấn mạnh, cần xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động giảm chi phí, giảm kho bãi, giảm lãi suất, giảm logistics và các chi phí khác để giảm giá thành thức ăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung xây dựng các vùng trồng ngô, sắn ở Tây Nguyên.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.

Cùng với đó, để hạ giá thành, nâng cao cạnh tranh cho ngành chăn nuôi Việt Nam, yêu cầu tất yếu là phải giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là các phụ gia thức ăn chăn nuôi. Trước thực tế này, hiện một số doanh nghiệp trong nước cũng đang xúc tiến nghiên cứu, hợp tác đầu tư nhằm sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi ngay tại nước ta để giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài.