Tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu sẽ tồi tệ hơn, cơ hội của Việt Nam?

Tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn khi xuất khẩu các loại gạo cao cấp của Ấn Độ gặp phải rào cản mới do chi phí vận chuyển tăng vọt. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

1
Tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu sẽ tồi tệ hơn, cơ hội của Việt Nam?

Thị trường gạo tiếp tục khó khăn

Giới chuyên gia Ấn Độ mới đây nhận định tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn khi xuất khẩu các loại gạo cao cấp của Ấn Độ gặp phải rào cản mới do chi phí vận chuyển tăng vọt trong bối cảnh xung đột Hamas-Israel và tình trạng thiếu hụt trong nước ảnh hưởng đến xuất khẩu các loại gạo khác.

Xuất khẩu gạo basmati cao cấp của Ấn Độ trong tháng 1/2024 chỉ bằng một nửa so với một năm trước. Theo các nhà kinh doanh gạo, tình trạng trên là do giá cước vận chuyển đã tăng gấp đôi sau một loạt cuộc tấn công của lựa lượng Houthi vào các tàu thương mại.

Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, khi lực lượng Houthi tấn công Mỹ và các mục tiêu khác ở Biển Đỏ, đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển của toàn cầu.

Cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ Vijay Setia nhận định: “Vấn đề ở Biển Đỏ đang leo thang. Một giải pháp nhanh chóng sẽ không được đưa ra, bất chấp sự can thiệp của Mỹ để ngăn các cuộc tấn công của Houthi. Mọi người đang trong trạng thái chờ đợi và chỉ xuất khẩu số lượng hạn chế”.

Trung Đông là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Setia cho biết thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến khu vực này đã tăng thêm 3 hoặc 4 tuần sau khi bạo lực bùng phát ở Biển Đỏ.

Thế giới dự đoán rằng Ấn Độ sẽ nới lỏng các hạn chế sau cuộc bầu cử, nhưng nếu lệnh cấm được duy trì, giá sẽ tăng cao hơn. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm 47% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 so với cùng kỳ năm 2022.

Dữ liệu thương mại gần đây nhất tính đến tháng 11 năm ngoái, cho thấy xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Tây Phi giảm khoảng 53%, xuất khẩu sang Đông Phi giảm 57% và nguồn cung cấp cho các quốc gia Trung Phi giảm 80%. Các khu vực này đang dựa vào các nhà cung cấp khác để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung của Ấn Độ, nhưng dữ liệu hiện có cho thấy “rõ ràng tổng lượng gạo nhập khẩu đang giảm”. Mối lo ngại về tình trạng thiếu lương thực sẽ gia tăng khi Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu.

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới chịu nhiều biến động.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 8,34 triệu tấn về sản lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá, tăng tương ứng 17,7% về lượng và 39,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số ấn tượng đánh dấu cột mốc mới trong xuất khẩu gạo ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 – 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn.

“Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, hiện chưa có thông tin chính xác về mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam. Tuy nhiên, bà Hương nhận định, năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam

2
Cơ hội cho gạo Việt. Ảnh Bửu Đấu

Để nắm bắt cơ hội, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, bảo đảm gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.

“Bộ Công thương tập trung nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường; đánh giá, dự báo dài hạn nhu cầu, thị hiếu; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu gạo. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp các chuỗi liên kết được bền vững”, ông Hòa đề xuất.

Còn theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay, dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều đã hủy hợp đồng, nhất là với đơn vị năng lực tài chính yếu. Với những doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, nhằm giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua gom giá cao để đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao. Từ đó dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm vào tay doanh nghiệp Thailand vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh với gạo thơm Việt Nam.

Vì vậy, với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các cơ quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các mặt công tác chuyên môn của ngành hàng lúa gạo như đẩy mạnh xuất khẩu gạo thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa trong khu vực nông dân, nhất là vào các thời điểm thu hoạch rộ, giúp bình ổn giá gạo trong nước và góp phần bảo đảm nguồn gạo dự trữ quốc gia.