Về nơi có trăm trại nuôi con đặc sản, nhiều hộ lợi nhuận tới 400 triệu mỗi năm

Nhờ có điều kiện đất đai rộng rãi cũng với nguồn thức ăn tự nhiên dễ kiếm và khá dồi dào, nhiều hộ dân ở xã Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã chuyển đổi sang nuôi con đặc sản. Những vật nuôi có giá trị kinh tế cao như nhím, lợn rừng, hươu… được người dân nuôi trong trại khép kín. Người dân còn thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ nhau về kỹ thuật và thị trường. Nghề nuôi con đặc sản nhiều hộ dân có thu nhập 300 đến 400 triệu đồng mỗi năm.

Nuôi hươu sao lấy nhung được nhiều hộ dân triển khai và thu về lợi nhuận cao.
Nuôi hươu sao lấy nhung được nhiều hộ dân triển khai và thu về lợi nhuận cao.

Nuôi con đặc sản đơn giản thức ăn lại dễ kiếm

Một trong những hộ nuôi con đặc sản có thu nhập cao tại thôn Ngọc Lâm là gia đình anh Nhữ Văn Vũ. Mô hình gây nuôi động vật hoang dã (con nhím, con lợn rừng, nuôi hươu lấy nhung) của anh Vũ được xây dựng khép kín, hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Được biết, anh Vũ cũng là một trong những người đi tiên phong nuôi con đặc sản tại địa phương. Cách đây hơn 10 năm, anh Vũ nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi con đặc sản nên đã tìm hiểu, từ nuôi thử nghiệm rồi mở rộng quy mô.

Anh Vũ cho biết, ban đầu anh chỉ nuôi với vài đôi nhím, lợn rừng để thử nghiệm và tìm hiểu đặc tính cũng như quy trình nuôi các con đặc sản này. Vừa nuôi vừa mở rộng quy mô, đến nay trang trại nuôi con đặc sản của anh đã có 250 con nhím, 20 con lợn rừng, 8 con hươu sao, sinh trưởng và phát triển ổn định.

Một trong những bí quyết để nhân nuôi thành công các vật nuôi đặc sản được anh Vũ tiết lộ là chuồng trại chăn nuôi được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Điều này vừa giúp vật nuôi không bị mắc bệnh, trang trại nuôi cũng không có mùi hôi. Đây là một trong những tiêu chí để trại được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi động vật hoang dã.

Cũng theo anh Vũ, nuôi các loại động vật hoang dã không khó, nguồn thức ăn cũng đơn giản, hầu như không mắc bệnh, tuy vậy cần khéo léo, hiểu tập tính sinh sống của chúng để bố trí giờ ăn, tách đàn riêng cho phù hợp.

Cơ sở nuôi nhím của anh Nhữ Văn Vũ, thôn Ngọc Lâm, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.
Cơ sở nuôi nhím của anh Nhữ Văn Vũ, thôn Ngọc Lâm, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Thức ăn chủ yếu của nhím, lợn rừng là các loại lá, củ, quả sẵn có vườn nhà. Nhím nuôi 1 năm, lợn rừng nuôi 8 tháng có thể xuất chuồng, hươu sao 1 năm cắt nhung 1 lần. Khó nhất là kỹ thuật ghép đôi, sinh sản, nhân đàn để tránh cận huyết, mất đi đặc tính vốn có của vật nuôi”.

Với giá bán nhím thịt cho các tư thương, nhà hàng, quán ăn trung bình 300.000 đồng/kg, giá lợn rừng 150.000 đồng/kg, giá nhung hươu 1,8 triệu đồng/lạng, mỗi năm gia đình anh Vũ thu về 300 – 400 triệu đồng, đầu ra ổn định, có lúc không đủ hàng để bán cho khách.

Liên kết nuôi con đặc sản để phát triển bền vững

Tại xã Đồng Tâm, không chỉ gia đình anh Vũ mà nhiều hộ dân cũng áp dụng mô hình nuôi con đặc sản. Từ vài hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả đãn lan tỏa thành phong trào ở địa phương. Hướng đi này vừa phát huy lợi thế địa phương, tạo sinh kế cho người dân và còn góp phần giảm tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Khi phong trào nuôi con đặc sản phát triển, để chủ động từ kỹ thuật nuôi cho tới thị trường tiêu thụ, người nuôi con đặc sản đã chủ động liên kết để hõ trợ kết nối thông qua Hội gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã.

Tới nay, tại Xã Đồng Tâm đã hình thành Hội gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã với 23 thành viên, chủ yếu tại các thôn: Ngọc Lâm, Đồng Bong, Đồng Nội… Các thành viên đều được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi động vật hoang dã, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhiều cơ sở cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm như cơ sở của anh Phạm Văn Hoàng (thôn Ngọc Lâm), anh Vũ Văn Hùng (thôn Ngọc Lâm) với hàng trăm con nhím, con hươu sao.

Người dân xã Đồng Tâm mở rộng quy mô nuôi con đặc sản nhằm tận dụng lợi thế của địa phương.
Người dân xã Đồng Tâm mở rộng quy mô nuôi con đặc sản nhằm tận dụng lợi thế của địa phương.

Theo các hộ chăn nuôi, nuôi nhốt động vật hoang dã cho hiệu quả kinh tế cao, có tiềm năng phát triển. Điều kiện thuận lợi ở địa phương là nguồn thức ăn dồi dào, môi trường sống phù hợp cho động vật hoang dã sinh trưởng, phát triển tốt.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư mua con giống cao như: nhím giống giá 3 triệu đồng/cặp, lợn rừng giống giá 1,5 triệu đồng/cặp, hươu sao giá 40 triệu đồng/con… Chuồng trại nuôi động vật hoang dã phải xây dựng đúng kỹ thuật, việc quản lý, chăm sóc đàn tương đối khó bởi bản năng tự vệ của động vật hoang dã.

Kinh nghiệm của các hộ nuôi cho thấy: Để xây dựng mô hình, các hộ chăn nuôi cần học tập nắm vững kỹ thuật, đầu ra phụ thuộc vào thị trường nên không vội đầu tư quy mô lớn, phát triển ồ ạt, tránh thua lỗ. Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi cần được quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhất là việc phát triển liên kết chăn nuôi theo hình thức trang trại mới tạo sự ổn định cho mô hình.

Nhận định về hiệu quả của nghề nuôi con đặc sản tại địa phương, ông Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, những năm gần đây xã quan tâm, khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi vật nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó mô hình chăn nuôi động vật hoang dã là hướng phát triển hiệu quả. Hướng dẫn người dân quy trình, thủ tục để được cấp phép nếu có nhu cầu xây dựng mô hình. Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất bán động vật hoang dã.

“Nhờ đó, trên địa bàn ngày càng hình thành nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, con đặc sản trở thành địa chỉ cung cấp giống, sản phẩm, hỗ trợ công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã, duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc phát triển nuôi động vật hoang dã còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa vươn tới được các thị trường lớn”, ông Hân cho biết thêm.