Tiêu chết hàng loạt, người trồng Quảng Nam điêu đứng

Nhiều vườn tiêu của người dân ở xã Bình Quế (Thăng Bình) liên tục chết hàng loạt. Dùng nhiều biện pháp cứu chữa những không hiệu quả, họ đành cắn răng chấp nhận bao nhiêu công sức, tài sản của mình “đổ sông đổ bể”.

11-52-46_1
Những vườn tiêu sắp đến thời điểm thu hoạch bỗng dưng chết hàng loạt khiến mỗi hộ gia đình thiệt hại vài trăm triệu đồng

Theo người dân, thì tình trạng tiêu chết bắt đầu từ sau mùa mưa năm ngoái. Lúc đầu tiêu chỉ chết rải rác vài trụ nhưng sau đó lan rộng ra cả vườn. Đặc biệt, vào thời điểm này, khi sắp đến thời kỳ thu hoạch, tình trạng tiêu chết càng nhiều hơn khiến cho thiệt hại gây ra càng lớn.

Cách đây 4 năm, gia đình chị Trần Thị Kim Huệ (thôn Bình Phục, Bình Quế) quyết định bỏ vốn đầu tư hơn 150 triệu đồng và mua giống tiêu từ miền Nam về trồng. Thời gian đầu, tiêu phát triển nhanh nên chị Huệ cũng hy vọng về sau khi thu hoạch sẽ đem lại cho gia đình một nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, trong vụ tiêu ra bói đầu tiên thì chị phải nghẹn ngào chứng kiến cả vườn tiêu của mình chết dần chết mòn mà chưa thu được kết quả gì.

“Gia đình tôi có tất cả 300 trụ tiêu nhưng đến nay đã chết gần 200 trụ rồi, đến giờ cây vẫn tiếp tục chết. Chắc vài bữa nữa cả vườn tiêu này cũng chẳng còn trụ nào nữa. Tiêu đang cho trái cũng chết mà tiêu mới trồng được 2 năm đang phát triển xanh tốt cũng chết, không trừ cây nào. Hy vọng mùa tiêu có lãi đã tan tàn”, chị Huệ buồn rầu nói.

Tương tự như chị Huệ, vườn tiêu 500 trụ của gia đình anh Trương Công Hậu (thôn Bình Phục, Bình Quế) cũng đã chết hơn 200 trụ. Theo anh Hậu, cũng giống như các vườn tiêu khác trong vùng, những trụ tiêu nhà anh chết liên tục trong nhiều tháng qua và bắt đầu chết rộ vào thời điểm tiêu ra trái cho đến lúc thu hoạch. Ngoài gia đình chị Huệ và anh Hậu thì nhiều vườn tiêu khác trong xã Bình Quế cũng chết vài chục đến vài trăm cây, gây thiệt hại vài trăm đến cả tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, biểu hiện chung của những trụ tiêu chết ban đầu là vàng lá toàn thân và nhanh chóng khô héo trong vòng trên dưới 1 tháng. Quan sát kỹ thì bên dưới lá của những cây tiêu chết có những đốm trắng nhỏ. Cây tiêu chết khi nhổ lên thấy phần rễ bị mục nát. Vì đây là lần đầu tiên người trông tiêu ở xã Bình Quế chứng kiến hiện tượng này nên không biết nguyên nhân là gì.

11-52-46_2
Phần rễ cây tiêu chết có dấu hiệu mục nát

Trước tình trạng này, người dân đã tìm mọi cách để cứu chữa như mua thuốc trị nấm về phun toàn thân cây, xới đất thông thoáng rễ nhưng không hiệu quả, tiêu vẫn cứ chết. Biết không còn cách nào khác nên họ đành buông bỏ, chấp nhận thực tế. “Nhà tôi cũng mua thuốc trị nấm về phun nhiều lần, mỗi lần tốn vài trăm ngàn nhưng không thấy hiệu quả gì”, chị Huệ cho biết.

Trao đối với PV về tình trạng tiêu chết trên địa bàn, ông Phan Trí, Phó chủ tịch xã Bình Quế cho biết, tình trạng tiêu chết trên địa phương chủ yếu diễn ra ở thôn Bình Phụng. Đến nay, trên địa bàn có khoảng 12 hộ gia đình có tiêu bị chết với khoảng 700 trụ.

“Sau khi nắm được thông tin tiêu chết trên địa bàn, chính quyền xã cũng đã làm báo cáo gửi lên huyện để phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện về kiểm tra và xác định đây là bệnh chết nhanh do nấm. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là vì cây tiêu cũng chỉ mới bắt đầu được trồng ở địa phương vài năm trở lại đây nên kinh nghiệm của người dân chưa nhiều, không chú ý đến việc thoát nước dẫn đến tiêu chết hàng loạt như thế”, ông Trí cho biết.

11-52-46_3
Bên dưới lá của cây tiêu có xuất hiệu vùng đốm trắng nhỏ
“Chúng tôi xác định cây tiêu là cây trồng chủ lực ở địa phương vì hiệu quả kinh tế của loại cây này cao hơn nhiều so với những cây trồng khác mà người dân canh tác trước đây. Sau khi xảy ra tình trạng tiêu chết, chúng tôi đã làm văn bản kiến nghị gửi lên huyện hỗ trợ kinh phí để bà con tái sản xuất lại. Đồng thời để không lặp lại tình trạng này, xã cũng đề nghị Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện hỗ trợ thuốc, mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trước khi bắt đầu sản xuất”, ông Trí nói.

Theo Nongnghiep.vn