Công nghệ bảo quản quả vải xuất khẩu tại Bắc Giang: Còn ‘có vấn đề’!

Các nhà khoa học đánh giá: Quy trình công nghệ bảo quản quả vải phục vụ XK tại Lục Ngạn (Bắc Giang) do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP, Bộ NN-PTNT) triển khai là còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu hoàn thiện.

19-31-13_16-17-53_18817810_835205689964766_897173106_o

Thương hiệu quả vải thiều Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại thị trường Úc

Liên quan tới việc các lô vải thiều tại Bắc Giang XK sang Úc trong năm 2016 và 2017 bị hỏng sau khi sử dụng dây chuyền công nghệ bảo quản quả vải của một dự án do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) thực hiện (NNVN số ra các ngày 11 và 16/8/2017 đã phản ánh), hôm qua (28/8), Ban Chủ nhiệm Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng NTM cùng VIAEP và đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lí đến từ Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN đã tổ chức hội thảo nhằm thảo luận một số vấn đề cần hoàn thiện về công nghệ sơ chế, quản bảo này.  

Nhiều lỏng lẻo trong triển khai, giám sát

Phân tích những nghi vấn về nguyên nhân khiến vải thiều sau khi áp dụng quy trình bảo quản của VIAEP bị hỏng khi XK sang Úc, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Giám đốc HTX Sản xuất nông sản và Thương mại Hồng Giang (HTX Hồng Giang, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), đơn vị quản lí vận hành khu sơ chế dây chuyền công nghệ bảo quản quả vải thiều do VIAEP chuyển giao cho rằng, thực tế cho thấy, giữa quy trình trên lý thuyết của VIAEP và thực tế vận hành dây chuyền có rất nhiều điểm chưa khớp nhau.

Chẳng hạn trong quy trình của VIAEP, quả vải phải được bao gói kín trong túi màng LDPE; thùng các tông dùng để đóng hộp quả vải cần phải được làm lạnh trong kho lạnh trước khi đóng vải, tuy nhiên thực tế thùng các tông không hề được làm lạnh, và quả vải cũng không được đóng vào các túi LDPE mà đóng trực tiếp vào thùng.

Theo quy trình lí thuyết, quả vải khi chờ xuất hàng phải được bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ xung quanh 4oC và độ ẩm từ 90 – 95%, tuy nhiên thực tế, các lô vải sau khi đóng thùng lại được chuyển thẳng lên xe container lạnh ngay. Đặc biệt theo lý thuyết, trước khi vận chuyển lên xe, quả vải phải luôn được bảo quản ở mức quanh 10oC, tuy nhiên trên thực tế ở khâu đóng thùng, khu vực nhà kho bao gói, đóng thùng thực tế chỉ mát mát…

Ông Vũ Đào, Giám đốc Cty TNHH Phong Sơn Tiệm, đơn vị có nhiều lô vải thiều sử dụng dây chuyền bảo quản của VIAEP để XK sang Úc trong năm 2016 bị thiệt hại cho biết: Năm 2015, Cty từng XK vải sang Úc với cách làm rất thủ công, đó là đóng vải vào thùng xốp 18kg/thùng có đá lạnh, sau đó vận chuyển bằng xe lạnh và chuyển máy bay vào TP.HCM để chiếu xạ. Vậy nhưng vải khi XK sang Úc mẫu mã vẫn giữ được rất đẹp, được các bạn hàng phía Úc đánh giá rất cao, thậm chí bán được ở thị trường Úc tới gần 30 đô la Úc/kg. Vậy nhưng năm 2016 khi áp dụng quy trình sơ chế bảo quản của VIAEP tại HTX Hồng Giang, hầu hết các lô vải XK sang Úc đã bị hỏng, thối khiến bạn hàng “một đi không trở lại”, thiệt hại nhiều trăm triệu đồng. Ông Đào cho rằng, rõ ràng quy trình bảo quản này có vấn đề.

“Tôi rất không hài lòng về khu nhà đóng gói. Theo lý thuyết thì khu vực đóng gói phải duy trì nhiệt độ ổn định ở mức xung quanh 10oC, nhưng thực tế cả cái phòng rộng mấy trăm mét khối chỉ có 2 cái điều hòa bé tí tẹo, bước vào chỉ thấy mát mát một xíu y như phòng làm việc mở điều hòa”, ông Đào phản ánh. Ông này cũng nghi ngờ, việc áp dụng quy trình đưa quả vải sau khi xử lí nước nóng ở nhiệt độ khoảng 50oC, sau đó lại đưa vào kho lạnh đột ngột với nhiệt độ chỉ có 8oC là nguyên nhân khiến cho quả vải bị nứt vỏ, gây thối, hỏng khi XK sang Úc.

"Hiện nay, một số thị trường chỉ yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm dịch bằng chiếu xạ (ví dụ Úc, Mỹ), một số thị trường lại chỉ yêu cầu áp dụng biện pháp xử lí bằng nước nóng. Vì vậy thời gian tới, VIAEP cần phải tiếp tục hoàn thiện thêm ở cả 2 biện pháp trong tổng thể dự án nghiên cứu bảo quản quả vải để phục vụ cho nhu cầu XK đa dạng", ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

TS Chu Doãn Thành, đến từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Bộ KH-CN) thì cho rằng, một trong những vấn đề còn thiếu sót của công nghệ mà VIAEP áp dụng cho bảo quản quả vải vừa qua, đó là còn lỏng lẻo, thiếu sự giám sát kỹ thuật trong quá trình vận hành, nhất là giám sát về nhiệt độ bảo quản trong suốt quá trình từ nơi sơ chế tới nơi XK nên không thể biết lỗi xảy ra ở khâu nào.

“Hiện nay, các thiết bị giám sát nhiệt độ lô hàng trong suốt hành trình đã có rất nhiều, nên chẳng phải áp dụng công nghệ này để giám sát nhiệt độ các lô vải XK”, ông Thành nêu ý kiến.  

Còn nhiều nghi ngờ về quy trình công nghệ

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, một số khâu trong quy trình công nghệ bảo quản quả vải mà VIAEP áp dụng là chưa khẳng định được hiệu quả thực sự so với lí thuyết đưa ra, thậm chí không cần thiết.

Theo TS Chu Doãn Thành, quy trình mà dự án sơ chế bảo quản của VIAEP đưa ra, đó là xử lí nước nóng quả vải để loại bỏ côn trùng và nấm mốc, tuy nhiên trên thực tế, việc xông hơi nước nóng không thể có tác dụng diệt được côn trùng và nấm mốc, mà chỉ có tác dụng kìm hãm sự hoạt động của enzim để giữ màu quả vải. Bên cạnh đó, việc xử lí bằng nước nóng, nếu không giám sát kỹ khi vận hành cũng rất dễ dẫn tới nứt vỏ quả, thậm chí nếu kéo dài thời gian có thể khiến thịt quả bị mềm, dẫn tới nhanh hỏng.

19-31-13_dscf4592

Kế hoạch XK vải của các DN bị ảnh hưởng nặng nề do vải XK hư hỏng

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, phòng Chế biến Bảo quản nông sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT) đánh giá: Theo quy trình của VIAEP, quả vải sau khi được xử lí qua băng chuyền nước nóng (50oC) và xử lí bằng dung dịch axit hữu cơ có độ pH thấp, đã được chuyển ngay vào kho làm lạnh để làm khô vỏ quả nhiệt độ thấp, vừa chênh lệch nhiệt độ lại bị “sốc độ ẩm” đột ngột nên nguy cơ bị nứt vỏ là rất cao.

“Quả vải từ chỗ nhiệt độ cao, độ ẩm rất cao, được đưa đột ngột vào kho làm lạnh sâu với nhiệt độ chỉ có 8oC, độ ẩm chỉ có 40 – 50% nên tốc độ truyền ẩm rất nhanh, bị nứt vỏ là điều dễ hiểu. Đáng ra, chế độ làm khô vỏ quả phải được duy trì độ ẩm dần dần, chứ không thể thay đổi đột ngột như vậy”, ông Dũng phân tích.

PGS.TSKH Nguyễn Duy Lâm (Trung tâm KCS – VIAEP) thì phân tích: Theo các nghiên cứu, việc áp dụng quy trình chiếu xạ đối với quả vải kết hợp với làm lạnh có thể có tác dụng bảo quản quả vải, tuy nhiên việc chiếu xạ chỉ có ý nghĩa trong việc tiêu diệt côn trùng, vi sinh vật gây hại là chính chứ không nhằm mục đích tăng cường thời gian bảo quản. Vì vậy khi triển khai dự án nghiên cứu này, các nhà khoc học của VIAEP đã không tính tới hiệu quả cũng như tác động thế nào của việc kết hợp với chiếu xạ khi áp dụng quy trình sơ chế bảo quản quả vải.

“Trên thế giới, biện pháp kiểm dịch hoặc là chỉ xông nước nóng, hoặc là chỉ chiếu xạ, chứ không ai nói vừa xông nước nóng lại vừa chiếu xạ cả. Vì thế, nên chăng cần nghiên cứu lại xem có cần thiết phải vừa xử lí nước nóng, lại vừa chiếu xạ, gây tốn kém, lại chưa chứng minh được hiệu quả”, ông Lâm nêu ý kiến.

Mô hình ứng dụng sơ chế, bảo quản quả vải XK tại HTX Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) do VIAEP thực hiện thuộc dự án nâng cao thu nhập cho người dân trồng vải tại bắc Giang thông qua các giải pháp kỹ thuật trong khuôn khổ Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng NTM. Trước những sự cố trong quá trình vận hành công nghệ này, tại hội thảo hôm qua, Ban Chủ nhiệm Chương trình KH-CN phục vụ xây dựng NTM cho biết: Theo kế hoạch, mô hình bảo quản này sẽ nghiệm thu trong năm 2017, tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục cho phép VIAEP tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình bảo quản cho vụ vải tiếp theo trong năm 2018.

Vải thiều xuất khẩu sang Úc ‘gặp nạn’, lý do là ở đâu?

Vải thiều gặp ‘tai nạn’ ở Úc: Viện Cơ điện nói gì?​

Theo Nông nghiệp