Truy xuất nguồn gốc thịt heo, liệu có phá sản?

Thông tin gần 4.000 con heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc bị tiêm thuốc an thần ngay trước lúc giết mổ, chỉ trong một cơ sở giết mổ này, đã khiến nhiều người tiêu dùng vỡ mộng.

Việc trên 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần ngay trước lúc giết mổ, đang nằm ngủ li bì tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), với mục đích một khi mổ ra, thịt những con heo bị tiêm loại thuốc này sẽ có màu sắc rất bắt mắt, thịt luôn tươi, dẻo, khiến người tiêu dùng ưa thích, bị cơ quan chức năng bắt quả tang vào đêm 28 rạng sáng ngày 29/9, đã khiến dư luận xã hội dậy sóng, bàng hoàng và phẫn nộ.

Heo bị tiêm thuốc an thần sẽ ngủ li bì, không hao trọng lượng nhưng người dùng sẽ lãnh tác hại

Ai cũng biết, nếu ăn phải loại thịt heo có tồn dư thuốc an thần, có thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, thay đổi huyết áp, trầm cảm kéo dài… Và đặc biệt, nếu hoạt chất có chứa trong loại thuốc này tồn đọng lâu ngày trong cơ thể, thì có thể gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu, cực kỳ nguy hiểm.

Và ngay sau đó, dư luận lại càng bàng hoàng hơn, khi ngay trong cuộc họp báo do Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 30/9, ông Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ NN-PTNT, đại diện đoàn kiểm tra, đã thông báo, trong hơn 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ của cơ sở Xuyên Á đó, có tới gần 4.000 con có đeo vòng truy xuất nguồn gốc, nghĩa là tỷ lệ số heo có đeo vòng truy xuất nguồn gốc chiếm đến 80%.

Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo do TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện từ nhiều tháng nay, được dư luận hết sức đồng tình và ủng hộ, tin tưởng. Theo đề án này, mỗi con heo sẽ được gắn một cái vòng chứa những thông tin cần thiết như địa chỉ cơ sở nuôi, chất lượng nuôi, thành phần thức ăn, tình hình kiểm soát bệnh tật… Một khi chiếc vòng được kích hoạt, thì những thông tin trên sẽ được hiển thị trên mã vạch được gắn lên từng miếng thịt heo. Khi mua, người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh có cài một phần mềm đặc biệt, soi vào mã vạch, là tất cả những thông tin trên sẽ được hiển thị. Đề án này đã đặt ra mục tiêu 100% thịt heo bán tại các chợ và siêu thị tại TP sẽ truy xuất được nguồn gốc. Việc này khiến người tiêu dùng thịt heo rất yên tâm và tin tưởng, vì có thể loại trừ hoàn toàn thịt bẩn ra khỏi thị trường.

Nhưng thông tin gần 4.000 con heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc bị tiêm thuốc an thần ngay trước lúc giết mổ, chỉ trong một cơ sở giết mổ này, đã khiến nhiều người tiêu dùng vỡ mộng. Thịt heo tuy vẫn truy xuất được nguồn gốc, với đầy đủ thông tin. Nhưng đó chỉ là những thông tin tại cơ sở chăn nuôi đến cơ sở giết mổ thôi. Còn từ cơ sở giết mổ ra đến thị trường, tình hình vẫn không kiểm soát được. Chủ các cơ sở giết mổ, vì chút lợi nhuận, vẫn sẵn sàng vấy bẩn vào những miếng thịt heo để đưa tới miệng người dùng.

Hóa ra, từ cơ sở chăn nuôi đến miệng người ăn, con heo phải qua hàng loạt khâu, từ chăn nuôi, giết mổ đến phân phối. Nếu chỉ kiểm soát riêng khâu chăn nuôi thôi, thì đề án gắn vòng truy xuất nguồn gốc sẽ phá sản, nếu không gắn được những cái “vòng truy xuất” vào những khâu tiếp theo.

Theo Nông nghiệp